Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Ngãi: Lan toả phong trào hiến đất ở miền núi

T.Nhân-H.Trường - 20:21, 06/01/2025

Từng tấc đất thấm đẫm mồ hôi khai hoang, cải tạo thành đất sản xuất; nhưng nhiều gia đình ở các huyện miền núi Quảng Ngãi đã không ngần ngại, hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông, góp phần tạo cho bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh thêm phần khởi sắc.

 Ông Phạm Thanh Mong (ngồi giữa) cùng với người dân địa phương bàn việc của thôn.
Ông Phạm Thanh Mong (ngồi giữa) cùng với người dân địa phương bàn việc của thôn.

Thời gian gần đây, phong trào hiến đất để mở đường, làm các công trình phục vụ dân sinh đang được người dân miền núi Quảng Ngãi hưởng ứng nhiệt tình. Với họ, mỗi một mét đất cho đi là cả một sự hãnh diện vì đã làm được một việc có ý nghĩa cho cộng đồng.

Tại xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, nhờ công tác dân vận hiệu quả đã tạo sức lan tỏa lớn và gần như 100% người dân trên địa bàn xã có đất nằm trong vùng quy hoạch xây dựng hạ tầng đều đồng thuận hiến đất. Đi đầu trong phong trào hiến đất là ông Đinh Văn Nhân (thôn Nước Tang, xã Sơn Bua) hiến hơn 180m² để làm sân bóng đá trong làng cho trẻ em chơi. Ông Nhân cho biết: Mảnh đất này trước kia tôi trồng chuối, trồng cau đến trồng quế, mỗi mùa vụ cũng thu được 2 triệu đồng, nhưng sau đó thấy trẻ em không có khu vui chơi nên tôi nhường đất để làm mặt bằng tạo sân bóng nhỏ cho trẻ em. Tôi rất vui vì việc làm ý nghĩa của mình mang đến niềm vui cho trẻ em và nhiều người dân trong làng.

Phong trào hiến đất mở đường như một luồng gió thổi vào từng góc làng, ngõ xóm. Khi mọi thứ hanh thông, thì đường nhỏ mở to ra, ngõ xóm được nâng cấp thành đường…

Chủ tịch UBND xã Sơn Bua Cao Văn Chung cho hay: Khi xã bắt đầu tính chuyện xây dựng nông thôn mới, bàn bạc điều gì cũng thông. Riêng, chuyện làm đường giao thông thì gặp khó. Vì muốn làm đường phải giải phóng mặt bằng, nhưng xã không có kinh phí bồi thường. Bàn tới bàn lui cuối cùng cả xã quyết định cán bộ hiến đất làm gương trước. Đầu tiên là lãnh đạo xã, tiếp đến là cán bộ thôn, xóm và sau đó đến đảng viên để làm gương. Tôi tiên phong hiến đất 2 lần gồm hơn 1.093m2 và 650m2 làm đường xóm Ông Me đi khu dân cư Nước Toa, thôn Mang He, xã Sơn Bua.

“Trước tiên cán bộ, đảng viên, già làng tiên phong hiến đất trước rồi đến người dân cùng tham gia. Từ đó, người dân trong xã nhiệt tình hiến đất mở đường. Cao điểm là vào năm 2019, khi cả xã có 59 hộ dân hiến hàng chục nghìn m2 đất để làm đường, xây trường”, ông Chung chia sẻ thêm.

Còn tại huyện miền núi Minh Long, phong trào hiến đất cũng lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân, giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu quan trọng. Đến nay, huyện đã có 2 xã Long Sơn và Thanh An cán đích nông thôn mới. Góp vào thành quả này là nhờ sự chung sức, chung lòng tình nguyện hiến đất của bà con để mở rộng đường làng, xây dựng nhà văn hóa thôn…

 Nhờ phong trào hiến đất để xây dựng các công trình, diện mạo ở miền núi Quảng Ngãi đã có sự đổi thay đáng kể.
Nhờ phong trào hiến đất để xây dựng các công trình, diện mạo ở miền núi Quảng Ngãi đã có sự đổi thay đáng kể

Về xã nông thôn mới Thanh An hôm nay, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rõ nét của một địa phương miền núi vốn rất khó khăn, nhưng nay, đường giao thông đã được nâng cấp từ 1 - 2m lên đến 5 - 6m và bê tông cứng hóa, sạch đẹp không còn cảnh lầy lội vào ngày mưa, bụi mù vào ngày nắng như xưa.

Ông Đinh Bía, Cựu chiến binh ở xã Thanh An phấn khởi cho biết: Trước đây, đường nhỏ, hẹp khiến cho việc đi lại rất khó khăn. Mỗi khi vào vụ sản xuất hay thu hoạch, nhìn bà con trong thôn phải gánh vật tư hay sản phẩm trên đoạn đường trơn trượt, rất nguy hiểm. Khi chính quyền vận động hiến đất để làm đường, vợ chồng tôi đồng ý ngay. “Mình nghèo thì cũng nghèo rồi, việc mở rộng đường, giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận lợi là điều rất cần thiết. Nhà nước hỗ trợ tiền nhưng tôi không nhận. Nhà nước làm đường cho con cháu mình đi học, dân mình đi lại thuận lợi chứ có phải làm cho ai đâu”, ông Bía bộc bạch.

Một địa phương khác cũng có bộ mặt thay đổi nhờ phong trào hiến đất làm đường là thôn Trà Ót, xã Trà Tân, huyện Trà Bồng. Từ một thôn nghèo, không có đường giao thông kiên cố, giờ đây đường đi lại tương đối thuận lợi. Ông Hồ Minh Sơn, Người có uy tín ở thôn Trà Ót cho hay: Con đường này dài hơn 3km, được đầu tư từ nguồn vốn 135 cách đây 3 năm. Con đường này là mơ ước của dân làng. Muốn mở đường thì phải giải phóng mặt bằng, nhưng ban đầu vận động người dân hiến đất là rất khó. Nhờ kiên trì vận động, giải thích cho họ biết, có đường rộng hàng hóa dễ mua bán, con cháu sau này cũng được hưởng lợi. Thế là họ đồng thuận, ai cũng vui vẻ hiến đất. Riêng gia đình tôi cũng hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường…

Trẻ em được học trong ngôi trường khang trang nhờ người dân hiến đất
Trẻ em được học trong ngôi trường khang trang nhờ người dân hiến đất

Cứ thế, phong trào hiến đất mở đường như một luồng gió thổi vào từng góc làng, ngõ xóm. Khi mọi thứ hanh thông, thì đường nhỏ mở to ra, ngõ xóm được nâng cấp thành đường. Có thể nói, phong trào hiến đất đã tạo nên hình ảnh đẹp về tinh thần cộng đồng trách nhiệm, thắt chặt hơn nữa sự quan tâm, chia sẻ giữa người dân với chính quyền. Những công trình mới, con đường mới ở miền núi được xây lên từ sự đồng lòng của Nhân dân đang dài thêm mỗi ngày. Điều này không chỉ là động lực để địa phương phát triển mà trong lòng mỗi người dân, họ cảm thấy tự hào vì mình đã góp phần vào xây dựng quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Năm 2024 cả nước có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp

Năm 2024 cả nước có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đã có sự cải thiện đáng kể (giảm còn 2,24%), tương đương với hơn 1 triệu người.