Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Quảng Ngãi: Tình trạng tảo hôn giảm mạnh

Thành Nhân - 15:38, 18/02/2020

Trước đây, Quảng Ngãi là một trong những địa phương có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết lên đến hàng ngàn cặp. Sau 3 năm thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn đã giảm mạnh, hôn nhân cận huyết thống cũng chấm dứt hoàn toàn.

Một hoạt cảnh trong hội thi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại Quảng Ngãi
Một hoạt cảnh trong hội thi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại Quảng Ngãi

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trước năm 2016, 6 huyện miền núi của tỉnh là Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà và Trà Bồng, cùng với một số xã miền núi của huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành có đến 462 cặp tảo hôn. Độ tuổi tảo hôn từ 14 - 17 tuổi. Cá biệt, có 10 trường hợp tảo hôn ở độ tuổi 12 - 14, làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, mất cơ hội học tập; cơ hội cải thiện điều kiện sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống và sức khỏe sinh sản của đồng bào. 

 Nhận thức được những hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết, những năm gần đây, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn; tổ chức các hội thi sân khấu hóa trong các trường dân tộc nội trú, trung học phổ thông ở các huyện miền núi. Qua đó, góp phần ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp tảo hôn.

Đơn cử như, cuối năm 2018, gia đình chị Đinh Thị Tung, thôn Bắc Hà, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) muốn gả con gái đi lấy chồng khi con chị chỉ mới 15 tuổi. Ngay khi biết được thông tin này, chính quyền địa phương đã đến nhà chị Tung để phân tích cho vợ chồng chị hiểu, gả con gái khi chưa đủ 18 tuổi là vi phạm pháp luật, kéo theo rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai. Sau nhiều lần thuyết phục, chị Tung đã dừng đám cưới và cho con đi học lại. 

Bà Nguyễn Thị Thúy Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ cho hay, trước đây, địa phương là “điểm nóng”, với hàng trăm cặp tảo hôn mỗi năm, nhưng nay chỉ còn khoảng 5 trường hợp. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương. Bởi xã Sơn Hạ có hơn 80% dân số là người đồng bào DTTS. Đời sống văn hóa của người dân còn thấp, các bậc phụ huynh ít quan tâm đến tâm lý của con cái giai đoạn đang phát triển nên dễ dẫn đến tình trạng tảo hôn.

Theo ông Nguyễn Đức On, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 75 cặp. Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS của tỉnh đã chấm dứt hoàn toàn. Ông Nguyễn Đức On cho hay: Kết quả này, là nhờ vào thành quả từ công tác tuyên truyền vận động của địa phương. Các địa phương, đơn vị chức năng, tổ chức đã tuyên truyền cho từng bậc phụ huynh và thanh, thiếu niên hiểu được Luật Hôn nhân và Gia đình, những nguy hiểm, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, để chính họ biết phòng, tránh. Cán bộ địa phương bám sát từng thôn, bản để kịp thời đưa ra giải pháp xử lý ngay khi có thông tin về nguy cơ tảo hôn của một thiếu niên nào đó.

“Như vậy, có thể khẳng định, việc thay đổi nhận của người dân vẫn là quan trọng nhất trong “cuộc chiến” chống tảo hôn. Thời gian tới, các ban, ngành của tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú hơn. Với mục tiêu cuối cùng là, nâng cao nhận thức của đồng bào và giảm thiểu tối đa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh”, ông On nhấn mạnh.

Thời gian tới, các ban, ngành của tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú hơn. Với mục tiêu cuối cùng là, nâng cao nhận thức của đồng bào và giảm thiểu tối đa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh”.

Ông Nguyễn Đức On, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi


Tin cùng chuyên mục
Công an Thanh Hóa giải cứu 58 phụ nữ khỏi cơ sở kinh doanh Karaoke trá hình

Công an Thanh Hóa giải cứu 58 phụ nữ khỏi cơ sở kinh doanh Karaoke trá hình

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đấu tranh thành công Chuyên án 924D, bắt giữ 5 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người, giữ người trái pháp luật, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tại Cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke G7 ở thôn 1, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, giải cứu 58 nạn nhân là nữ giới, trong đó có 12 nạn nhân dưới 16 tuổi.