Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo hiến pháp - Một dấu mốc lịch sử

Nhật Minh - 07:59, 03/05/2022

Ngày 18 tháng 11 năm 2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Sự kiện này đã ghi một dấu mốc lịch sử: Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo Hiến pháp. Từ đó, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách dân tộc, mở ra cơ hội lớn cho vùng DTTS và miền núi phát triển, vươn lên…

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Tính từ năm 2020 trở về trước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách dân tộc. Các chính sách này bao trùm hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; do nhiều bộ, ngành chủ trì tổ chức thực hiện và quản lý. Kết quả to lớn của quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc là đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng DTTS và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt.

Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm nhanh hơn các vùng khác, vượt mức kế hoạch đề ra. Thậm chí, trong giai đoạn 2015 - 2019, một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng như huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%...

Tuy nhiên, nhìn chung vùng DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất trong cả nước, bởi tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, tình trạng di cư tự phát còn phức tạp… Ngoài các nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là việc xây dựng và quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao, có khi còn nóng vội và chưa phát huy được tính chủ động của đồng bào.

Bên cạnh đó, tình trạng “chính sách chờ vốn” cũng là thực tế bức xúc kéo dài qua các giai đoạn. Đa phần các chính sách được ban hành đều rơi vào tình trạng thiếu vốn, hoặc nguồn vốn nhỏ giọt. Điều này dẫn tới hiệu quả chính sách không cao…

Trước thực tế đó, với vai trò là cơ quan lập pháp và trách nhiệm với đồng bào DTTS, tại nhiều kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá những tồn tại hạn chế, đồng thời phân tích, đề xuất nhiều giải pháp để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những vấn đề bức thiết như: Giải quyết đất ở, đất sản xuất; quan tâm phát triển hạ tầng; tạo sinh kế; giải quyết việc làm; đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực… đã được các đại biểu đưa ra thảo luận kỹ để tìm giải pháp tháo gỡ.

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), Quốc hội khóa XIV đã nghe Chính phủ báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (2016 - 2018) và ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14. Từ đó quyết nghị: “Giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021”.

Việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã mở ra cơ hội lớn cho vùng DTTS và miền núi phát triển, vươn lên…
Việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã mở ra cơ hội lớn cho vùng DTTS và miền núi phát triển, vươn lên…

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước vận hội phát triển vùng DTTS và miền núi, Quốc hội đã thảo luận rất nghiêm túc về Đề án Tổng thể. Theo đó, đại đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng thuận và nhấn mạnh ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng và tính cấp thiết về việc xây dựng và triển khai Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn...

Tại thời điểm đó, trực tiếp điều hành phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng về Đề án Tổng thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, với tấm lòng yêu dân, thương dân, có trách nhiệm với dân, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo đúng Hiến pháp và tin rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công Đề án quan trọng này của quốc gia”.

Nhìn lại thấy rằng, việc thông qua Đề án đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, thể chế hóa quy định tại Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Tiếp đó, ngày 19/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với 100% đại biểu QH tham gia biểu quyết tán thành. Có thể nói, đây là con số kỷ lục, một Nghị quyết nhận được số phiếu tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.

Tại Kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã khẳng định: “Đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện mạnh mẽ quan điểm “miền núi tiến kịp miền xuôi”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào DTTS phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững”…

Có thể thấy, từ việc bấm nút thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 cho tới Nghị quyết số 120/2020/QH14, Quốc hội đã thực hiện đúng vai trò quyết định chính sách dân tộc theo Hiến pháp. Với dấu mốc lịch sử này, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã được cụ thể hóa một các ưu việt nhất, giải quyết tất cả những vấn đề tồn tại trước đó như chồng chéo, phân tán, thiếu nguồn lực… của những giai đoạn đã qua. Từ đó, tạo nên sức mạnh tổng thể đưa vùng DTTS và miền núi vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu trở thành động lực quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng của chính nghĩa và khát vọng hòa bình

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng của chính nghĩa và khát vọng hòa bình

Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược đông xuân (1953 - 1954) của quân và dân ta. Trải qua "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non" (thơ Tố Hữu), quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ, giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng này đã trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển thế giới, xé toạc đám mây đen của chủ nghĩa thực dân - đế quốc, mang đến nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập.