Người dân chiêm bái Xá Lợi Đức Phật tại chùa Quán Sứ - Hà NộiKhông đơn thuần là “du lịch lễ hội” hay “dịch vụ mùa vụ”
Xá lợi Phật đã được cung nghinh qua 9 tỉnh thành (TP.HCM, Tây Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hưng Yên, Đà Nẵng). Một số ngôi chùa mở cửa 24/24 để đón hàng triệu phật tử, người dân và du khách thập phương chiêm bái xá lợi Đức Phật. 16 triệu lượt người không đơn thuần là con số hành hương. Đó là tín hiệu rõ ràng về nhu cầu tâm linh ngày càng lớn trong đời sống hiện đại.
Du lịch tâm linh không chỉ là hành trình về với chốn thiêng, mà còn là cơ hội để chạm vào những lớp trầm tích của văn hóa, tín ngưỡng và con người. Trên phương diện lịch sử, mỗi chuyến đi đưa du khách quay về nguồn gốc hình thành Phật giáo, mở ra cái nhìn toàn cảnh về sự lan tỏa của đạo Phật trên đất Việt. Những ngôi chùa cổ, bảo tháp, tượng Phật hay pháp khí – tất cả đều là dấu ấn của thời gian và nghệ thuật, kết tinh trong không gian tôn nghiêm.
Du khách tham gia hoạt động tắm phật tại chùa Thông, phường Sơn Tây, Hà Nội dịp đại lễ Phật Đản tháng 5 năm 2025 Về niềm tin, chuyến hành hương giúp con người củng cố mối liên kết thiêng liêng với Đức Phật như một điểm tựa tinh thần. Trong bầu không khí thanh tịnh, sự tin tưởng ấy không còn là giáo điều mà trở thành trải nghiệm sâu sắc, mang đến cảm giác an yên và thức tỉnh. Còn ở khía cạnh tâm linh, nhiều người trở về từ chuyến đi với một tâm thế khác: nhẹ nhõm hơn, bao dung hơn, thấu hiểu chính mình và người khác, nhờ đó, sống sâu sắc hơn cho chính mình, cho người thân và cho xã hội.
Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam hiện có hơn 18 nghìn ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích Việt Nam. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn ngôi đền nằm rải rác trên khắp cả nước. Chúng ta có khoảng 9.000 lễ hội lớn nhỏ.
Đó không chỉ là con số về di tích, mà là bản đồ tiềm năng khổng lồ của du lịch tâm linh. Với mật độ dày đặc, bề dày lịch sử – văn hóa và sức ảnh hưởng cộng đồng sâu rộng, hệ thống chùa chiền, đền miếu và lễ hội truyền thống hoàn toàn có thể trở thành trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch bền vững.
Việt Nam là một trong những quốc gia có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo đa dạng bậc nhất ở Đông Nam Á. Dọc theo chiều dài đất nước, du khách có thể bắt gặp những không gian linh thiêng mang màu sắc khác nhau: từ Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo cho đến các tín ngưỡng dân gian như thờ Mẫu, thờ Thành hoàng làng, thờ cúng tổ tiên...
Nhìn sang các nước bạn
Khi giá trị thiêng liêng gặp gỡ với nhu cầu trải nghiệm văn hóa và chữa lành tinh thần, du lịch tâm linh tại Việt Nam cũng có thể vươn lên thành một mũi nhọn, nếu được tổ chức bài bản và gắn với bản sắc bản địa.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã biến du lịch tâm linh thành sản phẩm đặc sắc trong ngành công nghiệp văn hóa. Ấn Độ phát triển tour hành hương Tứ động tâm thành điểm đến nổi tiếng toàn cầu. Vùng đất Lumbini ở Nepalnơi - đản sinh của Đức Phật được quy hoạch và phát triển thành trung tâm hành hương Phật giáo, với các di tích khảo cổ liên quan đến sự kiện Đức Phật ra đời.
Mỗi năm, tại các thắng tích này, hàng triệu du khách có tín ngưỡng Phật giáo hoặc không tín ngưỡng từ khắp nơi trên thế giới đến đây chiêm bái, tham quan. Hay nhìn sang “đất nước chùa vàng” – Thái Lan với hàng ngàn ngôi chùa nguy nga, tráng lệ và mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử. Chính phủ nước này đã đầu tư nghiêm túc cho bảo tồn, tôn tạo kiến trúc, đồng thời đào tạo hướng dẫn viên chuyên ngành du lịch văn hóa – tâm linh, giúp trải nghiệm của du khách vừa thành kính vừa giàu thông tin.
Chùa Dơi tại Sóc Trăng thu hút đông đảo phật tử, người dân cả nước đến chiêm bái và trải nghiệm về văn hóa phật giáo Nam Tông Khmer Tiềm năng lớn, nhu cầu có thật nhưng thực tế cho thấy, du lịch tâm linh tại Việt Nam vẫn đang phát triển tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể. Không ít điểm đến tâm linh hiện nay chỉ tập trung vào lễ bái, cúng dường, trong khi chưa khai thác hết các giá trị văn hóa – lịch sử – kiến trúc – trải nghiệm. Các tour du lịch tâm linh phổ biến vẫn mang tính ngắn ngày, dồn dập, thiếu chiều sâu và gần như chỉ xoay quanh phần “lễ”, thiếu phần “hành hương” đúng nghĩa.
Phật tử Tạ Thị Minh Phương (54 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã từng tham gia vài tour du lịch tâm linh nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở việc "đi lễ" chứ chưa có chiều sâu. Ở một số nơi, dịch vụ chỉ xoay quanh bán hàng, ăn uống, gửi xe… còn không gian để người hành hương có thể tĩnh tâm, tìm hiểu Phật pháp hay đơn giản là nghỉ ngơi trong yên tĩnh thì gần như không có”.
Phật tử Tạ Thị Minh Phương (Hà Nội) mong muốn có những tour du lịch tâm linh có chiều sâu hơnChờ một quy hoạch xứng tầm
Để phát triển bền vững, du lịch tâm linh Việt Nam cần một chiến lược bài bản. Trước hết, cần xây dựng bản đồ các vùng Phật tích, đền thánh, tín ngưỡng đặc trưng từng vùng miền để định hình rõ tuyến hành hương quốc gia – kết hợp được cả giá trị văn hóa, tôn giáo và sinh thái. Việc đầu tư cho hạ tầng du lịch, đào tạo hướng dẫn viên chuyên sâu về văn hóa – tôn giáo, và truyền thông chính thống về các điểm đến cũng là những yếu tố then chốt để thay đổi cách tiếp cận của du khách.
Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, tôn giáo cho rằng, cần thay đổi tư duy quản lý. Thay vì để các nghi lễ, chiêm bái diễn ra rời rạc, thiếu định hướng, có thể quy hoạch các sự kiện này thành chuỗi hành hương theo mùa, kết hợp với các tour du lịch tâm linh liên vùng.
Không thể coi du lịch tâm linh đơn thuần là “du lịch lễ hội” hay “dịch vụ mùa vụ”. Cần tôn trọng tính linh thiêng, đồng thời quản lý tốt các hoạt động thương mại hóa không phù hợp tại các cơ sở tôn giáo, tránh để những không gian tín ngưỡng bị biến tướng thành nơi trục lợi tâm linh.
Một hướng đi khả thi, là liên kết du lịch tâm linh với du lịch trải nghiệm, chữa lành và giáo dục nhân văn. Hiện nay, ngày càng nhiều du khách trẻ muốn tham gia các hoạt động du lịch tâm linh, không đi chùa chỉ để khấn vái, mà để tìm sự bình an, hiểu thêm về Phật pháp, hoặc đơn giản là có vài ngày lắng lại giữa một cuộc sống vội vã.
Nếu đáp ứng được nhu cầu này bằng sản phẩm nhân văn, chuyên nghiệp, thì du lịch tâm linh không chỉ “giữ chân” được du khách trong nước mà hoàn toàn có thể vươn ra quốc tế.