Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Quốc hội thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Hoàng Quý - 20:24, 02/06/2022

Chiều 2/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu phát biểu đi thẳng vấn đề, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý thực tiễn, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và đề xuất rõ các giải pháp tránh trùng lắp và bảo đảm thời gian theo quy định về các vấn đề: Các vấn đề đã nêu trong báo cáo Chính phủ và các gợi ý thảo luận; việc lập và chấp hành dự toán quyết toán ngân sách năm 2020; các nội dung về chính sách tài khóa, tính đầy đủ, chính xác, hợp lý, hợp pháp của số liệu kiểm toán, trong đó có cả quyết toán thu ngân sách nhà nước, quyết toán chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, phân bổ sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, bội chi ngân sách và các khoản vay bù đắp bội chi…

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Một số đại biểu cho rằng: Cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Nhân dân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sớm hoàn các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở tổ chức, thực hiện, đánh giá; có giải pháp hiệu quả chống lãng phí trong sử dụng đất công; mở ra cơ chế để cán bộ năng động, chủ động, sáng tạo tìm ra cách làm mới, hay hơn, hiệu quả hơn…

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp): Cần có ngân sách để đầu tư cho sách giáo khoa đối với thư viện tại các vùng miền núi

Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định những sách nào là sách giáo khoa bắt buộc phải mua, những sách nào là sách tham khảo và cần cho phụ huynh quyền được lựa chọn mua những sách bắt buộc mà không phải mua những sách khác. Vì hiện nay, phụ huynh chủ yếu là mua sách giáo khoa cho con qua các lớp.

Ngoài ra, đối với các trường ở miền núi cũng cần phải có ngân sách để đầu tư cho sách giáo khoa ở các thư viện, giúp cho những học sinh - con của các gia đình nghèo DTTS có thể mượn sách mà không phải đi mua sách. Mặt khác, việc giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh từ trên ghế nhà trường là điều cần phải thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình): Giải quyết tình trạng nợ văn bản, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, trong thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả ấn tượng. Qua thực hiện công tác giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Bên cạnh đó, nhằm giải quyết tình trạng nợ văn bản, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị kịp thời trình và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, trước mắt là các văn bản kịp thời tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong công tác đấu thầu, thuốc, vật tư trang thiết bị y tế, các văn bản hướng dẫn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam): Lúng túng, bị động trong việc bố trí xe công phục vụ công tác

Theo đại biểu Dương Văn Phước, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều gặp nhiều khó khăn, lúng túng, bị động trong việc bố trí xe công sang công tác, nhất là các tỉnh có nhiều đơn vị hành chính có huyện miền núi, địa hình phức tạp, tiêu chuẩn, định mức trang bị xe chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, không đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy, việc cắt giảm số lượng xe công nhưng không xét đến các yếu tố dân số, diện tích, điều kiện tự nhiên đã gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định theo hướng nâng định mức xe ô tô phục vụ công tác cho các Ban xây dựng Đảng thuộc các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tối thiểu 2 xe trên một đơn vị, bổ sung quỹ xe cho tỉnh từ 8 - 10 xe ô tô tùy đặc điểm, tình hình, diện tích, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh và giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế để phân bổ… Qua đó, tháo gỡ những khó khăn từ cơ sở, kịp thời giải quyết những yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua làm việc một cách tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, đã có 24 ý kiến phát biểu, còn 10 đại biểu chưa phát biểu, do đó đề nghị các đại biểu gửi bài phát biểu cho bộ phận thư ký tổng hợp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có trao đổi giải trình, tiếp thu, làm rõ các vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau phiên thảo luận ngày hôm nay, Đoàn Chủ tịch đề nghị bổ sung các nội dung cơ bản để đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký tổng hợp ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan soạn thảo hoàn thiện Nghị quyết gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục
Rộn ràng Lễ hội Katê 2024 tại đền thờ Po Nit

Rộn ràng Lễ hội Katê 2024 tại đền thờ Po Nit

Lễ hội Katê năm 2024 tại đền thờ Po Nit - Di tích lịch sử cấp Quốc gia (thuộc thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) diễn ra với quy mô hoành tráng, thu hút hàng chục nghìn người dân địa phương và du khách đến tham gia hành hương vui hội.