Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025

Hoàng Quý - 22:15, 08/06/2024

Chiều 08/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Các đại biểu bấm nút bỏ phiếu
Các đại biểu bấm nút bỏ phiếu

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 466/467 tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,69% tổng số đại biểu Quốc hội). Như vậy, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Nghị quyết Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Theo đó, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Về tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội: Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình giám sát năm 2025 việc xem xét các báo cáo về: việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ qua; việc thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; báo cáo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính; báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả giám sát đối với các cơ quan, đơn vị.

UBTVQH cho biết, căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đã bao gồm nội dung thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ qua; việc thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 như đề nghị của đại biểu (điểm a khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết).

Riêng báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH sẽ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu lồng ghép nội dung này trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để báo cáo Quốc hội tại mỗi kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tại phiên họp
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tại phiên họp

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, đối với báo cáo về cải cách thủ tục hành chính, hằng năm, Chính phủ đều báo cáo về nội dung này, lồng ghép trong Báo cáo về tình hình KT-XH; tại Kỳ họp này, thực hiện Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 176/BC-CP ngày 23/4/2024 về kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội cũng có báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội thảo luận, giám sát theo quy định. Trường hợp cần thiết, UBTVQH sẽ đề nghị Chính phủ có báo cáo chuyên đề về nội dung này để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Có ý kiến đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 02 chuyên đề về bảo vệ môi trường và nguồn nhân lực; UBTVQH cân nhắc lựa chọn giám sát chuyên đề về quản lý, sử dụng tài sản công và giải ngân vốn đầu tư công để giám sát trong năm 2025…

UBTVQH báo cáo, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và căn cứ đặc điểm tình hình năm 2025, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình, UBTVQH đã thống nhất trình Quốc hội và được đại đa số đại biểu Quốc hội nhất trí, quyết định lựa chọn 01 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao và UBTVQ tiến hành giám sát 01 chuyên đề.

Bên cạnh đó, một số nội dung như đề xuất của đại biểu đã được lồng ghép trong xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về: kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, căn cứ tình hình thực tế, UBTVQH sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội cân nhắc lựa chọn những vấn đề được cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội quan tâm để tiến hành giám sát theo hình thức phù hợp.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Một số ý kiến đề nghị, khi xác định nội dung giám sát của các chuyên đề giám sát năm 2025 cần trọng tâm, tập trung một số vấn đề cụ thể; đồng thời, giới hạn phạm vi giám sát phù hợp để hoạt động giám sát hiệu quả, thiết thực. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH sẽ chỉ đạo xác định trọng tâm, trọng điểm khi xây dựng dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát trình Quốc hội và khi xây dựng kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát.

Một số ý kiến đề xuất các giải pháp để tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội như: lựa chọn nội dung để giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát hoặc cho phép các Đoàn lựa chọn một số nội dung giám sát phù hợp với nguồn lực của Đoàn và tình hình thực tế của địa phương; tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của tổ giúp việc, tổ công tác, hoạt động của các chuyên gia và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giám sát; tăng cường các báo cáo độc lập của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan khác như Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát, trong đó nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường hoạt động “giám sát lại”, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri; tổ chức các phiên giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến thủ tục hành chính; sớm hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…

UBTVQH tiếp thu ý kiến, kiến nghị tâm huyết của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, các Đoàn giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu đề xuất, cụ thể hóa các giải pháp trong quá trình triển khai các hoạt động, xây dựng báo cáo kết quả giám sát và nghị quyết giám sát chuyên đề. Đồng thời, ngay sau khi được Quốc hội đồng ý đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, UBTVQH sẽ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong giai đoạn hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Tìm thấy thi thể những nạn nhân cuối cùng bị vùi lấp tại điểm sạt lở ở Cao Bằng

Tìm thấy thi thể những nạn nhân cuối cùng bị vùi lấp tại điểm sạt lở ở Cao Bằng

Ngày 13/9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thuộc tỉnh Cao Bằng, lực lượng vũ trang Quân khu I, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Cao Bằng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nguyên Bình, Công an huyện Nguyên Bình tiếp tục công tác cứu hộ và đã tìm thấy thêm 6 thi thể nạn nhân tại điểm sạt lở xóm Lũng Lỳ, Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.