Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Thương mại điện tử sẽ thay thế dần các chợ truyền thống?

Thanh Huyền - 18:44, 05/06/2024

Chợ truyền thống từ xưa đến nay được coi là địa điểm mua bán ưa thích của người dân gắn với nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, ấn tượng của mỗi vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, khi nhịp sống xã hội ngày càng phát triển, những hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng thuận tiện hơn thì chợ truyền thống đang dần mất đi những giá trị vốn có. Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, thương mại điện tử sẽ là xu thế tất yếu, sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng truyền thống.


Giữ lại mô hình chợ truyền thống là cần thiết, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa duy trì được những nét văn hóa của chợ truyền thống, đồng thời thay đổi tư duy cũng như thói quen mua bán cho phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại
Giữ lại mô hình chợ truyền thống là cần thiết, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa duy trì được những nét văn hóa của chợ truyền thống, đồng thời thay đổi tư duy cũng như thói quen mua bán cho phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại

Chợ không chỉ tạo nên những nét đặc trưng của mỗi cộng đồng dân cư, mà còn được coi là nơi bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương. Là nơi gặp gỡ của người dân, góp phần thắt chặt và làm bền vững các mối quan hệ trong cộng đồng.

Ngày nay, dù hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hay chợ thương mại điện tử ra đời dù có lấn át nhưng chợ truyền thống với bản sắc của mình vẫn phù hợp với nhiều người, nhiều gia đình; nhất là người có thu nhập trung bình thấp.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, ngoài yếu tố khách quan, bị cạnh tranh gay gắt bởi "chợ mạng”, siêu thị, cửa hàng bán lẻ thì chợ truyền thống cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Tình trạng chợ xuống cấp, nhếch nhác, mua bán mất trật tự diễn ra ở nhiều nơi. Hàng hóa nhiều lúc chất lượng không đảm bảo; chưa đa dạng phong phú. Có nơi chợ xây dựng khang trang nhưng lại không đúng thời điểm hoặc địa điểm chưa phù hợp nên không thu hút được tiểu thương vào buôn bán.

Một số chợ truyền thống, người bán không biết sử dụng mạng mà vẫn thu tiền mặt, nên khách hàng ngần ngại. Chưa kể đi "chợ mạng" có người mang hàng đến tận nhà; chợ truyền thống thì phải đi tận nơi để mua hàng.

Chợ truyền thống muốn tồn tại và phát triển trước nguy cơ biến mất phải tự thay đổi. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên hỗ trợ nâng cấp, sửa sang để chợ truyền thống ngày càng khang trang, thuận tiện cho tiểu thương cũng như khách hàng. Dọn dẹp và chấm dứt nạn chợ cóc, chợ dù ở xung quanh vừa lấn chiếm cản trở giao thông lại gây sức ép lên chợ truyền thống. Đồng thời, các tiểu thương phải nắm được các kỹ năng phục vụ khách hàng, chuyển đổi số.

Chợ truyền thống trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các loại hình thương mại điện tử rất cần một sự thay đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động. Để từ đó mới đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình trong giai đoạn mới.

Chợ không chỉ tạo nên những nét đặc trưng của mỗi cộng đồng dân cư, mà còn được coi là nơi bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương
Chợ không chỉ tạo nên những nét đặc trưng của mỗi cộng đồng dân cư, mà còn được coi là nơi bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương. Ảnh: minh hoạ

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, thương mại điện tử sẽ là xu thế tất yếu, sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng truyền thống. Điều này thể hiện qua các con số tăng trưởng thương mại điện tử thời gian qua, như ở Mỹ tăng 35%, Việt Nam tăng trưởng 25%...

Nhằm tạo ra một khung pháp lý đầu tiên cho thương mại điện tử, Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc đã soạn thảo một luật mẫu, được sử dụng như một tài liệu tham khảo cho các nước trong quá trình xây dựng pháp luật về thương mại điện tử.

“Ở Việt Nam có thể chậm so với một số nước, nhưng từ năm 2006 đến nay có nhiều lần bổ sung, sửa đổi luật liên quan đến thương mại điện tử. Chúng ta có Luật Bảo hộ người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử cũng như ban hành các nghị định có liên quan. Điều đó cho thấy chúng ta quan tâm khá toàn diện về vấn đề này. Đặc biệt, trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam đã xây dựng được dữ liệu dân cư (Đề án 06). Điều này cũng tạo nhiều thuận lợi để chúng ta giải quyết vấn đề thương mại điện tử”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.

Như vậy, giữ lại mô hình chợ truyền thống là cần thiết, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa duy trì được những nét văn hóa của chợ truyền thống, đồng thời thay đổi tư duy cũng như thói quen mua bán cho phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại.