Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Hoàng Quý - 18:40, 07/06/2022

Chiều 7/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn và giải trình chất vấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn và giải trình chất vấn

Nông nghiệp và nhiều vấn đề đặt ra

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo Chương trình kỳ họp, phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được tổ chức trong thời gian 2,5 ngày, từ chiều ngày 7/6 đến hết ngày 9/6. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 5 vấn đề trình Quốc hội xem xét, biểu quyết lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình làm rõ hơn vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn để nâng cao hiệu lực thi hành và làm căn cứ để Quốc hội giám sát việc thực hiện.

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan sẽ trả lời các vấn đề: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Tiết kiệm, hiệu quả  trong sản xuất nông nghiệp

Trả lời chất vấn về vấn đề sử dụng phân bón, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Đối với nền nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Về vấn đề bất ổn thị trường, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thông qua các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ NN&PTNT cùng với các bộ đã xây dựng 3 thị trường lớn và một đề án riêng cho từng loại thị trường, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, thị trường EU và thị trường Trung Quốc. Mỗi loại thị trường có chuẩn mực, tiềm năng và có quy định rào cản của thị trường. Việc xây dựng đề án riêng tránh tình trạng “đi buôn chuyến” để có chương trình xúc tiến bài bản tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia hơn. Từ những loại thị trường đó sẽ chuẩn hóa các vùng nguyên liệu để đáp ứng được từng loại thị trường. Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, với đề án này các doanh nghiệp Việt trong từng loại thị trường sẽ kết nối với nhau. Như vậy, nhìn vào lăng kính thị trường để điều chỉnh lại tổ chức sản xuất phù hợp từng loại thị trường, từng mùa vụ, từng vùng nguyên liệu cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Khai thác tối đa các lợi thế

Trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới. Đồng thời khẳng định Việt Nam bây giờ là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ nên thị trường rất rộng mở. Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường.

Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp rất tốt để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hàng hóa. Đó là vấn đề khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã làm rất tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, cung cấp thông tin thị, khuyến cáo vùng trồng, vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sản xuất theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, đã phối hợp trên cơ sở các FTA đã ký thì đàm phán để đưa các sản phẩm nông nghiệp vào thị trường nước ngoài. Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan để thuận lợi hóa các thủ tục.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục làm tốt thông tin thị trường, khai thác lợi thế 17 FTA đã ký tăng cường đàm phán, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí, đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và đẩy mạnh thương mại điện tử. Cùng với đó, đề nghị các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến cáo có sự liên kết trong tổ chức sản xuất. Bộ trưởng nhấn mạnh trong quá trình này, vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương là rất quan trọng và đây là điều thực tiễn đã chứng minh.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh và cơ cấu kinh tế

Giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đối với vấn đề tập trung đất đai để phát triển nền sản xuất nông nghiệp lớn, hiện nay các mô hình tập trung về đất đai hết sức thành công trong cả nước thông qua việc dồn điền đổi thửa, thông qua hình thức các hợp tác xã liên kết, liên doanh, hình thức cho thuê, còn phần chuyển mục đích sử dụng cũng có nhưng không nhiều và đặc biệt hiện nay nhiều hộ dân đình đã nâng mức độ sử dụng đất và sử dụng liên doanh, liên kết đạt kết quả tốt.

Về vấn đề suy thoái đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Đó là chúng ta đã lựa chọn mô hình canh tác không đúng, thâm canh, quảng canh, dùng phân bón vô cơ, phân bón hóa học. Một vấn đề khách quan khiến đất bị suy thoái là biến đổi khí hậu, khiến xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt… gia tăng. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chúng ta phải chuyển đổi, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ khâu thiết kế quy hoạch và bố trí cây trồng, vật nuôi, sản xuất tiêu dùng và xử lý môi trường phải đi với nhau thành một vòng khép kín. Bởi vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp, chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sử dụng đất đai hiệu quả thì ngành nông nghiệp phải đa mục tiêu và thích ứng biến đổi khí hậu, không chỉ chống đỡ mà phải tận dụng. Đất đai nông nghiệp nhưng có dịch vụ; đất đai nông nghiệp nhưng có sản xuất, chế biến; đất đai nông nghiệp nhưng có du lịch sinh thái; hay thay đổi cách thức là sử dụng từ phân bón vô cơ hữu cơ…

Tin cùng chuyên mục