Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quốc hội với vận hội phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi

Hà Anh - 07:55, 04/02/2022

Thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đảng luôn nhất quán tạo mọi điều kiện tốt nhất để “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, những năm qua, Quốc hội đã quyết định nhiều quyết sách lớn đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất để vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển bền vững.

Thực hiện trách nhiệm với dân, Quốc hội đã quyết định chính sách dân tộc theo đúng Hiến pháp, đem lại cơ hội lớn cho vùng đồng bào DTTS và MN phát triển.
Thực hiện trách nhiệm với dân, Quốc hội đã quyết định chính sách dân tộc theo đúng Hiến pháp, đem lại cơ hội lớn cho vùng đồng bào DTTS và MN phát triển.

Tại Hội nghị Trung ương 7, khóa IX, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc. Đây là Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp đó, Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó khẳng định những thành tựu khá toàn diện của công tác dân tộc trên các lĩnh vực. Đồng thời, chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục như tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, tình trạng di cư tự phát còn phức tạp…

Trên cơ sở đó, tại nhiều kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, đề xuất nhiều giải pháp để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những vấn đề bức thiết như: Giải quyết đất ở, đất sản xuất; quan tâm phát triển hạ tầng; tạo sinh kế; giải quyết việc làm; đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực… đã được các đại biểu đưa ra thảo luận kỹ để tìm giải pháp tháo gỡ.

Từ việc xác định rõ trọng tâm lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc cần có sự đột phá mới để phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi; với sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2019) Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Đề án Tổng thể).

Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước vận hội phát triển vùng DTTS và miền núi, Quốc hội đã thảo luận rất nghiêm túc về Đề án Tổng thể. Theo đó, đại đa số các Đại biểu Quốc hội đều đồng thuận và nhấn mạnh ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng và tính cấp thiết về việc xây dựng và triển khai Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn...

Theo các đại biểu, việc thông qua Đề án nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, thể chế hóa quy định tại Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Tại thời điểm đó, trực tiếp điều hành phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng về Đề án Tổng thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội Tòng Thị Phóng đã kết luận, Quốc hội nhất trí cao và ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể. Quốc hội cũng nhất trí cao giao Chính phủ thực thi điều hành có hướng dẫn, chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các bộ, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể để cùng chăm lo cho đồng bào và vùng DTTS và miền núi. Hằng năm có báo cáo Quốc hội, có sơ kết, tổng kết.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, với tấm lòng yêu dân, thương dân, có trách nhiệm với dân, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo đúng Hiến pháp và tin rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công Đề án quan trọng này của quốc gia”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Tiếp đó, ngày 19/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với 100% đại biểu QH tham gia biểu quyết tán thành. Có thể nói, đây là con số kỷ lục, một Nghị quyết nhận được số phiếu tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.

Khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến (nay là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) xúc động bày tỏ: Chương trình MTQG là quyết sách mang dấu ấn lịch sử, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; là tình cảm sâu nặng của Nhân dân cả nước đối với đồng bào vùng DTTS và miền núi. Cán bộ, đảng viên và đồng bào rất vui mừng, phấn khởi, đón nhận Chương trình MTQG như một “luồng sinh khí mới”, trân trọng, nâng niu như “một báu vật”…

Có thể thấy, việc Quốc hội phê duyệt Nghị quyết 120/2020/QH14. Việc thông qua Nghị quyết được đánh giá là quyết định mang tính lịch sử, có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc. Điều này cho thấy trách nhiệm, quyết tâm, sự đồng lòng của Quốc hội vì sự phát triển bền vững của vùng DTTS và miền núi. Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội cũng đã giao cho Chính phủ có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA để bổ sung nguồn lực cho việc thực hiện Chương trình.

Tuy nhiên, với đặc thù hầu hết các địa phương thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là các tỉnh vùng DTTS và miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc tự cân đối ngân sách và phải phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách Trung ương. Do đó, mới đây, trước kiến nghị từ Chính phủ, Quốc hội cũng đã cho phép Chính phủ ban hành cơ chế cấp phát toàn bộ đối với nguồn vốn vay ODA cho các địa phương phụ thuộc từ 90% ngân sách Trung ương trở lên.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, khi Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi được Chính phủ ban hành, đi vào triển khai, trước những khó khăn phát sinh và kiến nghị từ Chính phủ, Quốc hội cũng đã đồng ý điều chuyển kế hoạch phân bổ kinh phí đã được Quốc hội phê duyệt cho Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 thực hiện năm 2021 sang năm 2022. Đồng thời, bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện năm 2022 được giao như kế hoạch dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ đó đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình được bố trí theo đúng kế hoạch đề ra…

Qua đó, có thể thấy, không chỉ đồng ý về mặt chủ trương, Nghị quyết, bằng những hành động cụ thể, Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm với đồng bào DTTS, sát cánh cùng Chính phủ, tạo mọi điều kiện để Chính phủ triển khai hiệu quả Chương trình MTQG. Từ đó, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách dân tộc, đem lại cơ hội lớn cho vùng DTTS và miền núi phát triển, vươn lên…