Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Quyền phát triển các DTTS nhìn từ một Đề án

TS. Hoàng Xuân Lương - 00:16, 23/01/2020

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm nhiều dân tộc. Sự phát triển của từng dân tộc luôn gắn với sự phát triển chung của đất nước, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðảng và Nhà nước ta rất coi trọng việc thực hiện các quyền của đồng bào DTTS. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp, được cụ thể hóa trong các bộ luật, luật chuyên ngành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các chính sách.

Đồng bào DTTS luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, phát triển về mọi mặt. (Trong ảnh: Các bác sĩ khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào DTTS vùng khó khăn)
Đồng bào DTTS luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, phát triển về mọi mặt. (Trong ảnh: Các bác sĩ khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào DTTS vùng khó khăn)

Quyền của DTTS được quốc tế chính thức ghi nhận trong Công ước Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (UDHR) năm 1948: “Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội”.

Điều 5, Hiến pháp 2013 của nước ta cũng ghi rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Đối chiếu với các cơ sở pháp lý của quốc tế và Việt Nam, chúng ta nhận thấy Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi được Quốc hội khóa XIV thông qua tại NQ 88/2019/QH14, ngày 18 tháng 11 năm 2019, hàm chứa khá toàn diện các yếu tố bảo đảm quyền phát triển các DTTS. Cụ thể, trong khi chưa có một đạo luật chuyên sâu về dân tộc, thì Đề án là một văn bản có tính định hướng dài hạn, tạo ra những nhận thức mới, góp phần thực hiện Điều 5 của Hiến pháp 2013 về DTTS. Trong đó, 10 chương trình, dự án bao quát toàn diện, có thể bảo đảm các quyền cơ bản về cuộc sống, quyền có việc làm, học hành, khám chữa bệnh, quyền tham chính, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, quyền bảo tồn và phát triển tiếng nói chữ viết, phong tục tập quán văn hóa, quyền tự nhận thành phần dân tộc…

Đồng thời, Đề án đã xác định được các mục tiêu cụ thể, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu này cũng chính là bảo đảm các quyền cơ bản của người DTTS như: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS luôn được quan tâm bảo tồn và phát triển.
Văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS luôn được quan tâm bảo tồn và phát triển

Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện Đề án sẽ còn phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Có thể kể đến như: Nền quản trị quốc gia của nước ta đang trong quá trình hoàn hiện, chưa dễ gì một sớm, một chiều có thể khắc phục ngay được tình trạng các bộ, ngành vẫn đeo bám lợi ích của chính ngành mình trong xây dựng luật pháp, chính sách. Chưa tránh khỏi được chồng chéo, trùng lắp, thiệt thòi lại đổ dồn vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, thực tế những bất cập, hạn chế của vùng DTTS đều có căn nguyên sâu xa từ nhận thức, kể cả trong cấp chiến lược. Chúng ta chủ yếu đang hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết các vấn đề xã hội, từ quan điểm, chính sách của một xã hội nhân đạo, từ yêu cầu chính trị, chứ chưa phải là bảo đảm quyền phát triển bình đẳng giữa các dân tộc. Chúng ta đang khai thác miền núi để phục vụ chiến lược phát triển chung của đất nước chứ chưa phải phát triển bền vững, chưa phải xây dựng vùng dân tộc miền núi thành động lực của đất nước. Chưa kể, nhiều cán bộ cấp chiến lược vẫn bị ám ảnh nặng nề kiểu tư duy: Suất đầu tư vào vùng dân tộc miền núi quá cao, hiệu quả kinh tế thấp; Vùng dân tộc miền núi như một gánh nặng, như một toa tàu ì ạch, đoàn tàu đất nước đang phải kéo theo...

Vì vậy để bảo đảm quyền phát triển các DTTS, khi xây dựng Chiến lược công tác dân tộc cho giai đoạn 2021 - 2030 cần nhấn mạnh rõ hơn các quan điểm sau đây: Dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc là vấn đề cơ bản, chiến lược lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển.

Đồng thời, phải xác định, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi trở thành những động lực phát triển.

Theo đó, cần huy động mọi nguồn lực; Tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó nguồn lực Nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định; Có cơ chế đặc thù bảo đảm tài chính, cơ chế quản lý phù hợp phát huy quyền chủ động, sáng tạo của địa phương, sự thống nhất, đồng bộ của các bộ, ngành trong quản lý chương trình, chính sách dân tộc..

Tin cùng chuyên mục
Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2)

Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2)

Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã khiến qũy đất (đất ở, đất sản xuất) ở nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục bị thu hẹp do sạt lở, bồi lấp. Dữ liệu về quỹ đất đã bố trí cho người dân được thu thập cách đây hơn một tháng nay không còn chính xác, cần thiết được cập nhật để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.