Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Còn mãi những sắc màu dân tộc

Hồng Minh - 14:11, 22/01/2020

Một mùa Xuân nữa lại về, sắc màu trên những bộ trang phục độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc lại có dịp khoe sắc cùng hoa đào, hoa mận, hoa mơ,…

Sắc màu độc đáo trên nhưng bộ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc vẫn được giữ gìn trong nhịp sống hiện đại
Sắc màu độc đáo trên nhưng bộ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc vẫn được giữ gìn trong nhịp sống hiện đại

Năm 2019 đã khép lại, đong đầy trong tôi là ấn tượng lưu lại được sau những chuyến đi. Rong ruổi qua những bản làng còn lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, tôi được nhìn những sắc màu của mỗi dân tộc vẫn hiện hữu rõ nét trong cuộc sống hằng ngày; được nghe những câu chuyện rất đời thường nhưng cũng không dễ thực hiện.

Thấp thoáng trong làn sương mờ ảo của thời tiết se lạnh đầu đông là hình ảnh những người phụ nữ Dao Tiền ở bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) trong bộ trang phục truyền thống dân tộc, đang ngồi thêu, in họa tiết lên những tấm thổ cẩm. Bản Sưng với 100% là người dân tộc Dao tiền sinh sống, vẫn giữ nguyên những bản sắc văn hóa dân tộc trong nếp sống sinh hoạt hằng ngày, nhất là gìn giữ trang phục truyền thống. Dù cuộc sống đang đổi thay từng ngày, nhưng những trang phục của người Dao tiền nơi đây vẫn giữ nguyên được nét nguyên bản qua thời gian, từ kiểu dáng, màu sắc cho đến họa tiết, hoa văn.

Cầm trên tay tấm thổ cẩm đang dần hoàn thiện, bà Lý Thị Tiến, năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng như khẳng định của bà, lúc nào bà cũng mặc trang phục của dân tộc mình. Không chỉ vậy, bà còn biết thêu, in họa tiết lên trang phục, một cách để bà gìn giữ nghề và và truyền lửa cho con cháu về đức tính của một phụ nữ dân tộc Dao Tiền. 

Bà Tiến bảo, trong cộng đồng người Dao, chỉ có duy nhất phụ nữ Dao Tiền là mặc váy, màu chàm đen làm tông màu chủ đạo.Váy của phụ nữ Dao Tiền dài gần đến mắt cá chân và dùng sáp ong vẽ trang trí hình tròn, hình tam giác hay những họa tiết gần gũi với thiên nhiên cây cỏ. 

“Với những giá trị văn hóa đó, tôi luôn khuyến khích và truyền dạy cho con cháu trong gia đình, trong bản cách làm ra một bộ trang phục”, bà Tiến bày tỏ.

Không sai khi nói rằng, cùng với ngôn ngữ, trang phục là dấu hiệu quan trọng để nhận biết nét đặc trưng của mỗi cộng đồng dân tộc. Cũng là dân tộc Dao, nhưng khác với màu sắc tối giản trong bộ trang phục của người Dao Tiền, bộ trang phục của người Dao Đỏ lại nổi bật với màu sắc rực rỡ.

Bà Phùng Thị Tòng, dân tộc Dao Đỏ thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang, Tuyên Quang) chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được dạy may, thêu trang phục truyền thống của dân tộc. Vì vậy, đến khi trưởng thành bà đã biết may, thêu một bộ trang phục hoàn chỉnh cho mình và những người thân trong gia đình. Hiện nay, bà cũng thường xuyên dạy các con, các cháu cách làm trang phục truyền thống, qua đó vừa thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Dao, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trong những chuyến rong ruổi về những bản làng, ấn tượng khắc chạm trong tôi là khát khao giữ sắc màu dân tộc của đồng bào trên những bộ trang phục truyền thống. Không chỉ sử dụng hằng ngày mà ở nhiều nơi đang có những tổ hợp tác, hợp tác xã dệt truyền thống đã được thành lập, duy trì. Dẫu giá trị kinh tế đem lại là chưa nhiều nhưng ý nghĩa là vô cùng lớn khi từ những tổ hợp tác, hợp tác xã này, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy. 

Những người phụ nữ Dao Tiền ở bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) vẫn đang giữ gìn những bộ trang phục truyền thống của dân tộc
Những người phụ nữ Dao Tiền ở bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) vẫn đang giữ gìn những bộ trang phục truyền thống của dân tộc

Tổ dệt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Thái ở xã Mường Nọc, huyện Quế Phong (Nghệ An) là một địa chỉ như thế. Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Nọc. Nhưng một thời gian dài, địa phương vắng hẳn tiếng lách cách từ những khung dệt. Hình ảnh những bé gái 13, 14 tuổi không còn cầm kim chỉ để thêu, không còn ngồi bên khung dệt xuất hiện nhiều hơn. 

Khoảng 2 năm trở lại đây, không chỉ tại xã Mường Nọc mà trên toàn huyện Quế Phong tiếng cọc cạch của những khung dệt lại được vang lên trong mỗi nếp nhà sàn. Nếu trước đây cả huyện chỉ có một vài gia đình dệt vải, mà chủ yếu cũng chỉ dệt để phục vụ cho gia đình, thì nay đã trở thành phong trào của chị em phụ nữ. 

Được biết, cũng từ hoạt động của tổ dệt thổ cẩm, mà giờ đây nhiều trường học trên địa bàn huyện Quế Phong đã và đang khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc truyền thống đến trường.

Để có được kết quả đó, chính người dân là yếu tố quyết định. Văn hóa dân tộc chỉ có thể được lưu giữ khi ý thức, trách nhiệm của người dân - những chủ thể văn hóa được hiện thực hóa bằng hành động.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.