Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Quyến rũ chiêng Mường

PV - 15:00, 06/02/2018

Mỗi dân tộc Việt Nam đều có những nét văn hóa riêng, đặc sắc. Nếu như với người Mông là tiếng khèn gọi bạn chơi Xuân, với người Thái là những điệu xòe quyến rũ… thì với dân tộc Mường là tiếng cồng chiêng kỳ ảo trong các dịp lễ, Tết, hội hè. Nét văn hóa ấy đã và đang được đồng bào dân tộc Mường ở Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) gìn giữ, phát huy.

Loại hình nghệ thuật vô giá

Chúng tôi tìm về thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân gặp Nghệ nhân Quách Hữu Kiểm, người được mệnh danh là kho sách sống về văn hóa Mường, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Khi chưa phân chia địa giới hành chính giữa Hà Nội và Hòa Bình, ông Kiểm là một trong số ít người Mường của tỉnh Hòa Bình được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân văn hóa và Chiến sĩ văn hóa vào năm 1982. Ngay đầu thôn, trong căn nhà nhỏ, gọn gàng, ông Quách Hữu Kiểm không bất ngờ khi có khách lạ đến thăm, tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng của xứ Mường.

Ông bảo, thời gian gần đây, thôn Đồng Dâu là điểm đến của nhiều người yêu thích văn hóa cồng chiêng của người Mường. “Cách đây không lâu, lãnh đạo thành phố, cán bộ văn hóa của huyện Thạch Thất cũng đã về thăm và bày tỏ tâm huyết về việc khôi phục nét văn hóa cồng chiêng của bà con. Tôi rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp”, ông Kiểm nói.

Theo ông Kiểm, từ xưa, trong quan niệm của người Mường, hội nào mà thiếu tiếng cồng chiêng, hội ấy không to; Tết mà im tiếng cồng chiêng, Tết ấy không sung túc; trong ngày vui hạnh phúc lứa đôi, không có tiếng cồng chiêng, ngày ấy mất vui… Vì thế, cồng chiêng đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường.

Ông Kiểm cho hay, ở nước ta, không chỉ người Mường mà cồng chiêng cũng là nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc vùng Tây Nguyên.

Niềm hân hoan của các cô gái Mường khi đánh cồng chiêng trong ngày hội. Niềm hân hoan của các cô gái Mường khi đánh cồng chiêng trong ngày hội.

 

Sự khác biệt thú vị là ở sự phân biệt cồng và chiêng. Nếu cồng, chiêng Tây Nguyên có sự phân định tương đối rằng những chiếc có núm là cồng, còn những chiếc mặt bằng gọi là chiêng, thì ở người Mường, cồng là từ dùng chỉ loại nhạc cụ không có núm, to chừng miệng thúng, còn gọi là “Lệnh”, chỉ dùng khi vua, quan truyền lệnh. Chiêng là loại nhạc cụ có núm, dùng trong các lễ hội, Tết... Tuy nhiên, người dân vẫn gọi loại chiêng dùng trong lễ hội với tên chung là cồng chiêng.

“Trong trình diễn, cồng chiêng Tây Nguyên chủ yếu dùng tay đánh trực tiếp lên mặt cồng, chiêng, âm điệu thể hiện sức mạnh, sự cuồng nhiệt đến bỏng cháy của những chàng “Đam San”. Với người Mường, lại là sự dịu dàng, đằm thắm, ý nhị và sâu sắc của những cô gái trong trang phục truyền thống áo, váy dân tộc”, ông Kiểm chia sẻ.

Gần gũi hơn với văn hóa cội nguồn

Để giúp tôi “tận mục sở thị” nghệ thuật trình diễn cồng chiêng của người Mường ở Đồng Dâu, tôi được Nghệ nhân Kiểm đưa đến nhà Trưởng thôn Kiều Văn Tiên để gặp chị Tạ Thị Tâm (vợ anh Tiên), thành viên đoàn Cồng chiêng Hà Nội tham dự Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009 ở Tây Nguyên. Chị Tâm cho hay, hiện người Mường ở thôn Đồng Dâu còn lưu giữ được 4 bài cồng chiêng truyền thống của dân tộc, được sử dụng trong các dịp lễ, Tết, hay ngày vui của đôi lứa (gồm: “Bông trắng Bông vàng”, “Chổ khộng”, “Sẹc Pùa”, “Pùa lộn”). Mỗi bài đều là những phản chiếu tâm tư tình cảm của người dân xứ Mường trong cuộc sống, lao động tình yêu và gia đình.

“Bợ oắng ôông thì bợ phải thìn. Ôông oắng bợ, ông phải thìn” (Vợ vắng chồng thì vợ phải tìm. Chồng vắng vợ, chồng phải tìm). Chị Tâm vừa gõ nhịp chiêng vừa ngâm một đoạn trong bài “Bông trắng bông vàng”. Thanh âm như diễn giải những tình cảm thiết tha ẩn chứa trong tâm tư của người vợ khi xa chồng, như âm vọng núi rừng thôn bản, nơi sinh sống từ ngàn đời của người Mường.

“Người con gái Mường khi biểu diễn chiêng đều phải mặc trang phục chỉnh tề đúng quy cách với áo trắng, váy dài, vòng chạm, khăn tay, khăn đầu. Nhịp đánh chiêng như nhịp chân bước, chậm rãi và thận trọng. Để thể hiện đúng không khí lễ hội, bài “Bông trắng bông vàng” có âm thanh mở đầu là âm cao với nhịp chậm-vừa ở quãng 8 theo nhạc lý cơ bản, còn bài “Xắc bùa” lại rộn ràng, tươi vui với tiết tấu nhanh hơn”, chị Tâm chia sẻ thêm.

rong ngày Xuân, hội cồng Mường, hát sắc bùa… là những lễ hội không thể thiếu tiếng chiêng của đồng bào Mường. Trong ngày Xuân, hội cồng Mường, hát sắc bùa…là những lễ hội không thể thiếu tiếng chiêng của đồng bào Mường.

 

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của người Mường, từ năm 2011, UBND huyện Thạch Thất đã mở lớp tập huấn nghệ thuật cồng chiêng cho người dân 3 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình. Đến nay đã có 22 đội chiêng được thành lập ở các xã người Mường của huyện Thạch Thất với hơn 300 người được truyền dạy những kiến thức, lối chơi, điệu hát, điệu múa của nghệ thuật cồng chiêng cổ.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, xã Tiến Xuân-người được Thành phố công nhận là Nghệ nhân ưu tú đầu tiên và duy nhất vào năm 2015 của huyện Thạch Thất trong lĩnh vực cồng chiêng cho biết: Tại lớp tập huấn, bên cạnh việc dạy theo phương pháp dân gian truyền tay tức là cô đánh sao, trò thực hành theo như vậy, chúng tôi còn dạy cho các học viên những kiến thức nhạc lý cơ bản, như nốt trên bản nhạc và tương ứng với âm trên từng chiếc cồng chiêng.

Người học là thành viên các đội cồng chiêng của 3 xã, họ rất hào hứng khi được truyền dạy kiến thức về loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhiều học viên mong muốn được mở rộng hơn các thành phần học, để hiểu biết hơn nữa về nghệ thuật cồng chiêng dân tộc mình”.

“Yêu nhau đã quá thì hành, đã đẳn thì vác cả cần lẫn cây”–lời nhạc dục dã theo tiếng chiêng bập bùng trong bài hát “Bông trắng Bông vàng” vang lên trong sự đong đưa nhịp nhàng và mê đắm của cô gái Mường. Phải chăng, nét đẹp văn hóa cồng chiêng Mường càng trở nên quyến rũ, trước hết là ở tình yêu lứa đôi, gia đình, tình yêu thôn bản sắt son được truyền giữ trong những điệu cồng chiêng tự ngàn đời nay?!.

HOÀNG VIỆT

 

Tin cùng chuyên mục
Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

“Theo dấu chân Người” là chủ đề của chuỗi các hoạt động tháng 5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó, có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như “Bài ca dâng Bác”, “Tây Nguyên với Bác Hồ - Bác Hồ với Tây Nguyên”, tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…