Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quyết sách về tín dụng mang lại hiệu quả lớn

PV - 16:21, 14/08/2019

Từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị số 40) ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có nhiều thay đổi tích cực.

Tập trung cho hoạt động tín dụng hiệu quả

Ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: “Chỉ thị số 40 đã đi vào cuộc sống và tạo tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thời gian qua. Cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, hội trường làm việc để hoạt động giao dịch giữa ngân hàng và người dân được thuận tiện nhất, đồng thời chỉ đạo các hội, đoàn thể tích cực kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và có trách nhiệm trong việc bình xét cho vay, sử dụng vốn đến thu hồi nợ đến hạn… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hằng năm giảm từ 3-5%.

Nhiều hộ dân ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ vay vốn ưu đãi để chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ vay vốn ưu đãi để chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, nguồn vốn chính sách xã hội trải rộng với 14 chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay nhà ở, giải quyết việc làm…; Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò “cần câu” để đưa tín dụng ưu đãi đến với các hộ và đối tượng chính sách khác, tạo động lực giúp xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS.

 Từ năm 2014 đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh đã có trên 77 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi, tổng doanh số cho vay trên 2.852 tỷ đồng; đã tạo điều kiện cho 327 lượt học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học, 4.857 lao động có việc làm thông qua vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; hỗ trợ 1.378 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác làm nhà ở; hoàn thành, đưa vào sử dụng 15.351 công trình nước sạch, 14.689 công trình vệ sinh.

Trong đó, hộ đồng bào DTTS trong toàn tỉnh chiếm 95% tổng dư nợ, với trên 91.000 lượt hộ vay vốn, giải quyết cho trên 55.000 hộ có việc làm, đưa tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS hằng năm giảm từ 4-5%. 5 năm qua, ngoài nguồn vốn của Trung ương, tỉnh Lai Châu đã chuyển trên 56 tỷ đồng từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; ưu tiên hỗ trợ lãi suất cho các hộ đồng bào DTTS.

Cải thiện chất lượng sống cho hộ nghèo

Ông Liều A Máng, ở bản Nậm Vạc 2, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn chia sẻ: Năm 2009, gia đình ông là 1 trong 3 hộ đầu tiên của bản đã tham gia vào Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ghép của 2 bản Nậm Vạc và được vay 5 triệu đồng chương trình DTTS đặc biệt khó khăn theo QĐ32. Từ 1 con trâu cái và 3 con dê mua lúc đầu để chăn nuôi, nhờ chí thú làm ăn, tích góp qua từng năm, hiện nay kinh tế của gia đình ông Máng đã khá hơn, ông đã mua sắm thêm được các vật dụng phục vụ sinh hoạt của gia đình như tivi, xe máy… để cải thiện chất lượng sống.

Gia đình ông Liều A Máng chỉ là một trong hàng nghìn hộ DTTS thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế. Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu, ngay sau khi có Chỉ thị số 40 và những hướng dẫn của NHCSXH cấp trên, NHCSXH tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành các văn bản triển khai và thực hiện trên địa bàn.

Tính đến 31/7/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh Lai Châu đạt trên 2.095 tỷ đồng, tăng hơn 143,7 tỷ đồng so với năm 2018, hoàn thành 98,8% kế hoạch cả năm, trong đó vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt gần 14,3 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương lên trên 56 tỷ đồng. Nguồn vốn liên tục tăng qua các năm, chất lượng tín dụng được đảm bảo do có sự thường xuyên phối hợp, đồng hành giữa NHCSXH với các ban ngành, đoàn thể. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được kiểm soát ở mức thấp nhất (0,3%/tổng dư nợ). Toàn tỉnh hiện có 108 xã, phường, thị trấn và 7 huyện 1 thành phố không có nợ quá hạn phát sinh.

Có thể thấy rằng, nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Lai Châu từng bước thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ấm no.

PHƯƠNG LINH

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.