Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sản phẩm - Thị trường

Rau mùi tàu "đi" Hàn Quốc

Phạm Việt Thắng - 16:15, 01/06/2021

Cây mùi tàu được giá, mùi tàu không phải giải cứu… Những thông tin đó đã là rất vui rồi, nhưng mùi tàu được xuất khẩu sang Hàn Quốc, thì không còn gì vui hơn với bà con xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Giám đốc HTX rau mùi tàu Diễn Thái Phan Thị Nhung giới thiệu về sản phẩm rau xuất khẩu.
Giám đốc HTX rau mùi tàu Diễn Thái Phan Thị Nhung giới thiệu về sản phẩm rau xuất khẩu.

Giám đốc của nông dân

Chị Phan Thị Nhung, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau mùi tàu Diễn Thái, bẽn lẽn trò chuyện: “Giám đốc chi mô, là mấy gia đình góp đất, góp vốn để cùng nhau làm ăn thôi mà”. Theo chị Nhung là gom cái nhỏ, gom manh mún, mạnh ai nấy làm để cùng nhau làm lớn hơn, khoa học hơn và có kế hoạch để mùi tàu có thể trở thành mặt hàng chủ lực của xã nhà. 

Chị kể, xã Diễn Thái được coi là “quê hương” của rau mùi tàu. Từ hàng chục năm nay, bà con ở đây đã trồng mùi tàu, rau của họ được mang đến các chợ bán, giá cả bấp bênh, sản lượng năm nhiều, năm ít, và chất lượng thì nhà đạt nhà không. 

Nhà chị Nhung cũng là một trong những hộ trồng nhiều rau mùi tàu. Khác với bà con chỉ bán quanh quẩn trong huyện Diễn Châu, chị Nhung đã bươn chải khắp Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… để tìm mối “bỏ” hàng. Ngoài bán rau của nhà mình, chị còn thu gom của bà con để có những chuyến hàng ra tấm ra món. 

“Tôi trở thành đầu nậu mùi tàu lúc nào không hay”, chị Nhung chất phác, nói.

Miệng nói tay làm, hứa với bà con điều gì, thực hiện ngay điều đó, chị trở thành người có uy tín trong vùng, ai cũng tin. Chính vì thế mà khi chị đề xuất thành lập HTX rau mùi tàu, lập tức có 29 thành viên tham gia. 

Chị Nhung cho biết: “Đã có hơn 4 ha đất được bà con góp vào HTX để sản xuất tập trung, và 25 ha được các thành viên sản xuất riêng lẻ nhưng theo đúng quy trình kỹ thuật và các quy định khác của HTX. Những người góp đất, ngoài được hưởng cổ tức, họ còn trở thành công nhân của HTX, có việc làm ổn định quanh năm, thu nhập không dưới 4 triệu đồng/tháng.

Tôi tò mò về quy trình sản xuất rau mùi tàu có khác các loại rau màu khác không, chị Nhung đã giải thích rất cặn kẽ, cụ thể đến mức tôi có thể trở thành nhân công ngay. Chỉ có khâu làm đất là sử dụng máy móc, còn lại toàn bộ quy trình từ gieo trồng, chăm bón đến thu hoạch đều làm bằng tay. Phân bón thì chỉ sử dụng phân vi sinh, tuyệt đối không có thuốc bảo vệ thực vật hoặc kích thích tăng trưởng.

“Ở đây, bà con thành viên thuộc làu quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Và tiêu chí sản xuất của chúng tôi là đẹp – sạch – an toàn. Mất rất nhiều công sức nhưng bù lại rau mùi tàu của HTX  rất được ưa chuộng và bao giờ giá cũng cao hơn nơi khác ”, chị Nhung quả quyết.

ợ chồng ông Lương Đình Đường thu hoạch rau mùi tàu
Vợ chồng ông Lương Đình Đường thu hoạch rau mùi tàu

Làm giàu từ mùi tàu

Đang vào mùa gặt, cánh đồng mùi tàu tương đối vắng người, nhưng màu xanh của nó thì ngút ngàn và mùi hương thì ngào ngạt. Vợ chồng ông Lương Đình Đường đang lấm lem giữa ruộng rau, nhưng nụ cười thì rõ tươi: “May nhờ có mùi tàu mà vợ chồng tôi nuôi được mấy đứa con học đại học, sửa sang nhà cửa đàng hoàng. Năm nay mắc dịch bệnh nên có khó khăn trong tiêu thụ cũng như giá cả, chứ còn mấy năm trước, một sào trồng mùi tàu gấp đến 7 lần trồng lúa”. 

Ông Đường cầm theo một nắm mùi tàu, giảng giải cho tôi: Đây là rau loại 1, lá dài, dày và rất đẹp. Thu hoạch xong, về nhà lại tiếp tục chọn lựa, loại bỏ lá già, rách… sau đó mới nhập cho HTX. Loại rau dành cho xuất khẩu, thì còn tốn công nhiều hơn nữa, phải chọn lựa kỹ lắm. Tôi dám cam đoan không có nơi nào, mà mùi tàu có mùi thơm đặc trưng như ở đây. 

Ông Đường cũng cho biết, hai vợ chồng ông trồng 3 sào mùi tàu, quanh năm không hết việc để làm. “Mỗi năm gieo trồng một lần, thu hoạch đến 6 lứa, vị chi mỗi năm thu hoạch khoảng 3 tấn rau. Nếu tính giá ở thời điểm năm trước, là 25.000 đồng/kg thì cũng kha khá tiền đấy”, ông Đường thành thật.

Nói về hiệu quả rau mùi tàu, bà Đinh Thị Trang, Phó Chủ tịch xã Diễn Thái nói rất hình ảnh: Nhà cửa của bà con ở đây rất khang trang, đường làng, ngõ xóm đẹp đẽ… nhờ mùi tàu cả đấy. Cũng theo lời bà Trang, ngay từ khi còn là công chức nông nghiệp xã Diễn Thái, bà đã nhìn thấy thế mạnh của cây mùi tàu, và tìm ra thủ lĩnh là chị Nhung. 

Những thửa đất đầu tiên, để manh nha nên HTX rau mùi tàu là đất 5% do xã quản lí mà bà Trang đã ra sức thuyết phục lãnh đạo xã cho bà Nhung thuê lại. Những dòng tin quảng bá sản phẩm đầu tiên trên mạng xã hội, những hình ảnh “rất thô mà rất thật” về rau mùi tàu cũng chính tay bà phó chủ tịch trẻ này bấm máy…

HTX còn mạnh dạn mang rau ra Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia để kiểm tra chất lượng. Kết quả là giấy chứng nhận của Viện này đã được cấp cho Hợp tác xã rau mùi tàu Diễn Thái. 

Tiếng lành đồn xa, thương lái khắp nơi đổ về Diễn Thái ký hợp đồng. Và, tháng 4/2021, HTX chính thức ký hợp đồng với Công ty Việt- Hàn (Hà Nội) xuất khẩu mùi tàu sang Hàn Quốc.

“Mới hai chuyến hàng xuất khẩu thôi, nhưng đó là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của chúng tôi và nhất là sự tận tình của Phó Chủ tịch Trang”, chị Nhung chưa hết mừng vui nói.

Chị Nhung cũng cho biết thêm một thông tin đáng giá, mùi tàu Diễn Thái không bao giờ phải giải cứu vì đã có công nghệ sấy lạnh. Thêm một nụ cười tươi rói của bà giám đốc: “Lúc giá thấp nhất, mùi tàu sấy lạnh vẫn cứ đạt 3000 đồng/kg”.

Tin cùng chuyên mục
SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai

SeABank và Tập đoàn BRG chung tay trồng 68.000 cây phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai

Tiếp nối chuỗi hoạt động đồng hành cùng các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) và Tập đoàn BRG chung tay cùng Báo Nhân dân trồng 68.000 cây, trị giá 1 tỷ đồng nhằm phủ xanh gần 20ha diện tích rừng và phục hồi sinh kế cho người dân tỉnh Lào Cai.