Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Rộn ràng ngày Tết tại “Ngôi nhà chung”

PV - 14:56, 25/01/2019

Tìm về Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ không khí náo nức, nhộn nhịp của đồng bào trong làng đang tất bật chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền. Hoa đào, hoa mận, bánh chưng, thịt gác bếp… đã đầy đủ cho những bữa cơm ấm cúng ngày năm mới.

Đồng bào Mông quây quần bên chảo thắng cố. Đồng bào Mông quây quần bên chảo thắng cố.

Chuyển từ quê hương Bắc Kạn về sinh sống tại “Ngôi nhà chung” suốt 3 năm qua, bà Nguyễn Thị Xuyến làng dân tộc Tày đã đón Tết 2 năm tại “ngôi nhà thứ 2” của mình. Bà Xuyến cho biết: “Công việc chuẩn bị đón Tết được gia đình làm từ ngày 28 Tết, tất cả các thành viên từ trẻ con đến người già đều tham gia dọn dẹp, sửa soạn nhà cửa, bàn thờ… để đón năm mới”.

Tại không gian làng dân tộc Tày, bà Xuyến cùng mọi người đang gói bánh chưng, vật dâng cúng có ý nghĩa đặc biệt trong ngày Tết. Với các nguyên liệu truyền thống gần gũi với đời sống của bà con các dân tộc như: gạo nếp nương vùng cao, thịt lợn bản được lựa chọn từ con lợn ngon nhất, đậu xanh được lựa chọn loại đỗ bở thơm, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang cùng với bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc, tạo nên những chiếc bánh chưng vuông vức tượng trưng cho đất, màu xanh của lá dong là cỏ cây, đỗ xanh tượng trưng cho trái ngon quả ngọt, thịt lợn tượng trưng cho muông thú, gạo nếp là văn minh lúa nước, là gốc rễ. Dù không đón Tết tại quê nhà, nhưng Tết nào bà Xuyến cùng với bà con ở làng dân tộc Tày cũng đều chuẩn bị theo đúng phong tục ngày Tết của dân tộc Tày.

Chia tay gia đình bà Xuyến, chúng tôi đến thăm gia đình ông Sùng Pà Thào, làng dân tộc Mông đến từ huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. “Theo phong tục dân tộc Mông, vào những ngày cuối năm, mọi dụng cụ lao động sẽ được dán một tờ giấy bản với ý nghĩa để các dụng cụ được nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả cùng con người”, ông Thào thông tin.

Cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại "Ngôi nhà chung" đến làng Thái chúc mừng năm mới. Cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại "Ngôi nhà chung" đến làng Thái chúc mừng năm mới.

Cùng với việc dọn dẹp nhà cửa, ông Thào và các thành viên trong gia đình bắt một con gà trống có bộ lông màu đỏ đẹp, đặt cúng trước bàn thờ, sau đó đem cắt tiết, rồi thả trong nhà. Người Mông sẽ quan sát xem đầu của con gà quay về hướng nào để đoán định công việc làm ăn trong năm ấy có phát đạt hay không: Nếu lúc giẫy chết, con gà quay đầu về bức tường là nơi thờ ma nhà, hoặc phía buồng chủ nhà, năm đó gia đình sẽ làm ăn phát đạt. Nhưng nếu con gà quay đầu ra cửa, năm đó, gia đình sẽ gặp khó khăn và hao tốn tiền của. Gặp tình huống này, chủ nhà phải bắt con gà khác để cúng lại. Nếu vẫn có biểu hiện như trước, phải cúng thêm lần nữa hoặc mời thầy cúng đến để hóa giải. Khi đồng bào Mông mổ gà cúng thần linh và tổ tiên thường lấy lông gà buộc thành nhúm rồi nhúng vào tiết gà, dán lên bàn thờ. Mỗi năm vào dịp Tết, lông gà trên bàn thờ lại được thay một lần. Đồng bào tin rằng, điều đó sẽ mang may mắn đến với gia đình mình trong năm mới.

Khi mọi việc đã tươm tất, gia đình ông Thào sẽ cùng nhau quây quần bên chảo thắng cố cùng ăn uống, trò chuyện vui vẻ, hàn huyên những chuyện vui buồn của một năm qua.

Sau khi được thưởng thức món thắng cố cùng chén rượu ngô ở nhà ông Thào, chúng tôi theo chân ông cùng đồng bào trong “ngôi nhà chung” đến chúc Tết làng dân tộc Thái. Vừa bước tới cửa, chúng tôi đã được đồng bào trong làng dân tộc Thái đon đả chạy ra cổng để đón những “người hàng xóm”. Trong niềm vui năm mới, đồng bào chúc nhau bằng câu tiếng Thái và cùng nhau cầm dây quả còn, quay vài vòng rồi tung lên. Quả còn vút bay cùng với những dây ngũ sắc trông rất đẹp mắt. Gia chủ mời khách quý cùng tung những quả còn đầu năm để nhận được nhiều may mắn và cùng nhau nhảy sạp, múa xòe hân hoan vui Tết.

Sau khi nhảy múa, ông Hoàng Văn Phong, chủ nhà làng dân tộc Thái mời khách lên ngôi nhà sàn dùng bữa cơm cùng gia đình. Để đáp lại tình cảm của gia đình đồng bào Thái, đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống tại “Ngôi nhà chung 54 dân tộc” gửi lời chúc Tết theo phong tục của đồng bào mình. Đồng bào quây quần chung vui bên mâm cỗ ngày Xuân với chén rượu đượm tình anh em. Những cái ôm, cái bắt tay xiết chặt thể hiện tình đoàn kết, quyết tâm của cộng đồng các dân tộc anh em cho một năm Kỷ Hợi-2019 thắng lợi!

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Xây dựng Làng văn hóa các dân tộc huyện A Lưới thành điểm đến du lịch cộng đồng

Xây dựng Làng văn hóa các dân tộc huyện A Lưới thành điểm đến du lịch cộng đồng

Dự án Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) với kinh phí gần 20,8 tỉ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Đây là Dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025.