Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Rừng mộ ché của người M’nông

PV - 10:29, 20/07/2018

Năm 2008, buôn M’Liêng, xã Đăk Liêng, huyện Lăk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét chọn là buôn cổ độc nhất của đồng bào M’nông tỉnh Đăk Lăk. Buôn được bảo tồn đầy đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người M’nông. Qua bao nhiêu biến cố tác động từ thiên nhiên, con người, đến nay, buôn M’Liêng vẫn còn giữ được nét cổ kính của buôn làng hàng trăm năm trước với những câu chuyện huyền bí.

rừng mộ ché Trưởng buôn Y Thon Ênuôl (người bên trái) bên ngôi nhà truyền thống.

Chạy xe trên con đường nhựa êm ru từ Quốc lộ 27 vào buôn cổ M’Liêng, qua hồ Lăk thơ mộng, những đồng lúa bạt ngàn xanh non sẽ cảm nhận được cuộc sống nơi đây yên bình, no ấm. Ngôi nhà cộng đồng bề thế ngay đầu buôn với sân rộng, bên cạnh cây đa hơn 200 tuổi che mát cả khoảng đất rộng. Phía sau cây đa là khu rừng thiêng, với nhiều ngôi mộ cổ lớn nhỏ ẩn trong các bụi cây rừng. Mặc dù cánh rừng này không có vực sâu, không có thú dữ, nhưng bao đời nay nó lại là chốn linh thiêng, và người dân trong làng bất khả xâm phạm.

Ngồi dưới bóng cây đa cổ thụ nghỉ mát, trông đàn dê nhẩn nha gặm cỏ, ông Y Plut Nhơm nhớ lại thời xưa ông cùng các bạn đồng lứa ra gốc đa chơi. Ông nói, mỗi dịp lễ, hội trong buôn hay gia đình nào có việc quan trọng lại thấy già làng, trưởng thôn, người dân mang lễ vật ra cây cúng, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống buôn làng ấm no hạnh phúc. Trong tâm thức của người M’nông, những cây to lớn là cây thiêng và cây đa cổ thụ này giống như hàng rào vững chắc bảo vệ cả buôn làng.

Y Plut Nhơm cho hay, có lẽ vì lý do này mà tháng 7/2017, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Đăk Lăk đã công bố quyết định và gắn biển Bảo tồn cây đa cổ thụ trên 200 tuổi. Đây là cây thiêng, được ông cố nội của dòng họ trồng từ hàng trăm năm trước. Còn cánh rừng thiêng bất tận phía sau cây đa và vùng đất bao bọc hồ Lăk xưa kia là của dòng họ Nhơm. Dân làng coi đó là chốn linh thiêng, là cấm địa không ai dám mạo phạm, cũng chẳng ai dám đặt chân vào. Ngày xưa, dòng họ Nhơm có người chết sẽ được an táng dưới tán rừng này. Vì vậy, trong rừng có rất nhiều ngôi mộ và những chiếc ché quý được chôn theo người chết. Có những ngôi mộ đã vài trăm năm, bà con gọi đây là rừng ma hay rừng mộ ché.

Trong quan niệm của người M’nông, rừng là nơi ở của các vị thần linh, người chết đã về với rừng ma, nếu con người đến quấy nhiễu thì phù thủy, ác ma sẽ theo dấu về gây hại cho dân làng. Vì thế mà khu rừng này luôn được bà con bảo vệ nghiêm ngặt. Theo các bậc cao niên trong buôn, khu rừng này có trước cây đa rất lâu, được bà con bảo vệ bằng những quy định rất nghiêm ngặt, ai vào rừng phá cây sẽ bị thần phạt. Nếu phát hiện ai chặt cây không kể cây lớn, nhỏ bắt được phạt phải trồng lại và cúng một con trâu khỏe để cúng tạ tội với thần rừng. Ngày nay, mọi người không suy nghĩ như xưa nữa, nhưng cũng không ai dám chặt phá cây, dù là cây nhỏ…

rừng mộ ché Quần thể cây đa cổ thụ, mộ cổ và rừng thiêng buôn M’Liêng.

Trưởng buôn M’Liêng-Y Thon Ênuôl cho biết: Luật tục cha ông đã quy định như thế nên không ai được xâm phạm. Mặc dù trong khu rừng ma có rất nhiều ché to, hoa văn rực rỡ có màu men tinh tế, bóng loáng, quý hiếm nhiều năm tuổi là tài sản của người chết được chôn cạnh mộ, nhưng chẳng ai dám đụng vào. Bởi người M’nông rất coi trọng ché rượu, họ tin có thần linh trú ngụ trong đó. Nên khi một người qua đời, gia đình sẽ dành chiếc ché quý nhất mang ra rừng ma để người chết sử dụng. “Trong đời sống của người M’nông, ché rượu gắn liền với đời sống tâm linh của con người từ lúc sinh ra đến lúc chết đi. Lễ mừng đứa trẻ chào đời cũng có ché rượu, cúng sức khỏe, cưới hỏi, ma chay, cúng thần… đều không thể thiếu ché rượu”, Trưởng buôn Y Thon Ênuôl thông tin.

Được biết, xã Đăk Liêng, có 12 thôn buôn và hơn 10.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 55%. Buôn M’Liêng có 148 hộ, 678 nhân khẩu, thì có đến 146 hộ là người M’nông. Khu rừng ở buôn M’Liêng thuộc địa giới của xã, nhưng bây giờ, vấn đề quản lý khai thác thuộc về Ban Quản lý Văn hóa, Lịch sử, Môi trường huyện Lăk. Năm 2017, huyện Lăk có 2 buôn là buôn M’Liêng và buôn Triết nằm trong Đề án xây dựng 10 buôn làng truyền thống của các cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển du lịch cộng đồng đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Y Kô Niê, Phó trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: Một khu rừng được xem là rừng thiêng, phải mang tính thiêng của buôn và không phải buôn nào cũng có được. Xung quanh khu rừng sẽ có một truyền thuyết mà chỉ dòng họ giữ rừng và bà con sống thời đó mới biết tường tận. Bây giờ, các già làng có thể không còn nhớ nhiều về truyền thuyết, hoặc họ biết nhưng không muốn kể cho người khác biết. Còn những chiếc ché được chôn cạnh mộ đó là theo phong tục tín ngưỡng của đồng bào.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.