Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Rừng tự nhiên Nà Pen bị “xẻ thịt”

PV - 18:43, 18/01/2019

Nhiều tháng qua, cánh rừng tự nhiên thuộc khu vực bản Nà Pen, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên liên tiếp bị lâm tặc vác máy cưa vào chặt phá không thương tiếc. Điều đáng nói, hiện tượng này xảy ra ngang nhiên nhưng cơ quan chức năng lại chưa thực sự vào cuộc đúng mức…

Cửa rừng đóng nhưng bên trong vẫn bị tàn phá

Khi những tiếng gầm rú của cưa máy vang vọng núi rừng chợt tắt cũng là lúc nhiều cây lớn trong cánh rừng tự nhiên của bản Nà Pen bị đổ gục. Những thân cây nhanh chóng được lâm tặc xẻ vuông thành sắc cạnh cho dễ bề vận chuyển ra ngoài. Tại những nơi cây bị đốn hạ, mạt gỗ còn vương vãi khắp nơi, chất thành đống; vỏ thân cây mới bị cắt xẻ nằm la liệt dưới đất, nhiều gốc cây lớn còn đang ứa nhựa. Nhiều điểm cắt xẻ gỗ được hình thành, khiến cánh rừng Nà Pen như một công trường khai thác gỗ.

Nhiều điểm cắt xẻ gỗ được hình thành, khiến cánh rừng Nà Pen như một công trường khai thác gỗ. Nhiều điểm cắt xẻ gỗ được hình thành, khiến cánh rừng Nà Pen như một công trường khai thác gỗ.

Không thể đếm được bao nhiêu cây rừng đã bị đốn hạ và diện tích rừng đã bị mất, chỉ biết rằng lâm tặc ngang nhiên khai thác gỗ, tàn phá cánh rừng đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bàn giao cho cộng đồng dân bản quản lý, bảo vệ và hằng năm vẫn nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Dù thực trạng rừng Nà Pen đang bị tận diệt ngay giữa ban ngày nhưng chính quyền và lực lượng kiểm lâm địa phương lại không hề hay biết. Chỉ đến khi nhận được thông tin phản ánh và tận mắt xem những hình ảnh lâm tặc ngang nhiên tàn phá rừng do phóng viên cung cấp tại thực địa, ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên mới thừa nhận và hứa sẽ kiểm tra.

Theo chính quyền xã Nà Nhạn, cánh rừng già Nà Pen có diện tích khoảng 1.300ha, nơi đây có trữ lượng gỗ tự nhiên còn khá lớn, nhiều gốc cây có chu vi một người ôm không xuể. Khu rừng này cũng đã được thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và giao cho người dân các bản Nà Pen 1-2-3-4 quản lý. Năm 2018 đã thực hiện việc chi trả cho trên 1.200ha rừng và ngay đầu năm nay cũng đã cho các thôn, bản ký cam kết không vi phạm đất rừng và gỗ rừng.

Còn ông Nguyễn Cương Quyết, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên lại phân trần, do diện tích rừng tự nhiên Nà Pen ở xa trung tâm nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Hạt chỉ bố trí được 1 kiểm lâm viên cắm địa bàn, quản lý diện tích rừng rất rộng nên đã để xảy ra tình trạng này. Trước đó vào giữa năm 2011, lợi dụng quy hoạch khai hoang ruộng nước, lâm tặc cũng ngang nhiên vào đốn hạ khoảng 5ha cây rừng tự nhiên có tuổi đời vài chục, thậm chí vài trăm năm tuổi ở đây. Và đến nay dù đã được tuyên truyền, thực hiện việc chi trả tiền bảo vệ rừng, giao trách nhiệm cho cộng đồng quản lý xong rừng già Nà Pen vẫn tiếp tục nhỏ máu, bị lâm tặc “xẻ thịt”. Còn lực lượng chức năng, chính quyền địa phương vẫn chủ quan cho rằng rừng đã được giao cho người dân thì sẽ được bảo vệ tốt. Chỉ đến khi sự việc đã rồi, rừng đã mất thì mới bàng hoàng, giật mình đi tiến hành xác minh, kiểm tra lại.

Sẽ xử nghiêm minh

Ngay sau khi có phản ánh của phóng viên về tình trạng rừng tự nhiên Nà Pen liên tiếp bị chặt phá trong thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã phối hợp với UBND xã Nà Nhạn khẩn trương kiểm tra hiện trường, lập hồ sơ vi phạm.

Kết quả bước đầu phát hiện, kiểm đếm được 22 cây gỗ đã bị cắt hạ và xác định được 1 đối tượng tham gia vào hoạt động phá rừng tại Nà Pen. Theo đó số cây gỗ bị khai thác trái phép thuộc các nhóm III, V, VI, đường kính gốc từ 20-55cm, chủ yếu là gỗ vối thuốc, gỗ giẻ và xoan đào. Thời gian bị khai thác được xác định từ khoảng 8-15 ngày, tại các lô: 2, 3, 7, 39, 44, khoảnh 7, Tiểu khu 696. Những cây gỗ bị khai thác nằm hoàn toàn trong diện tích rừng được quy hoạch là rừng phòng hộ và đã được giao cho cộng đồng các bản: Nà Pen 1, 2, 3, 4 quản lý, bảo vệ và hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng theo Quyết định số 1208 của UBND tỉnh Điện Biên. Tại hiện trường, lực lượng chức năng kiểm tra chỉ còn lại hơn 7m3 với 23 lóng gỗ tròn, 6 hộp gỗ xẻ.

Ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Đây mới chỉ là kết quả kiểm tra ban đầu, tuy nhiên đơn vị cũng đã lập hồ sơ vi phạm đối với toàn bộ số gỗ bị khai thác trái phép nêu trên. Đồng thời chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên phối hợp chặt chẽ với UBND xã Nà Nhạn tiếp tục điều tra, đấu tranh, sớm tìm ra các đối tượng khai thác rừng trái phép để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bước đầu trong quá trình kiểm tra cũng đã xác định được một đối tượng là Vàng A Của, sinh năm 1970, người dân của bản Nà Pen 3 có tham gia hoạt động phá rừng. Đối tượng Của khai nhận có khai thác 2 cây vối thuốc (trong số 22 cây đã được kiểm đếm) với mục đích về để làm nhà. Riêng đối với số tang vật còn đang trong rừng sẽ tiến hành tạm giữ, đưa ra khỏi rừng để không tạo cơ hội cho các đối tượng quay trở lại lấy đi.

VŨ LỢI

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.