Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sắc mới Làng Le

PV - 14:30, 31/07/2019

Nằm dưới chân núi Chư Mo Ray hùng vĩ, thôn Làng Le, xã Mo Rai (Sa Thầy, Kon Tum) là nơi duy nhất trên cả nước có đồng bào dân tộc Rơ Măm cư trú với 151 hộ, 453 nhân khẩu. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, dựa vào cộng đồng và sự nỗ lực của bản thân, đồng bào dân tộc Rơ Măm đang xây dựng cuộc sống ấm no và nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa đã trước nguy cơ bị mai một.

Bài 1: Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa

Giữa trưa, sau khi kết thúc cuộc họp tại UBND xã, ông A Việt, Chủ tịch hội Nông dân xã Mo Rai nhiệt tình lấy xe máy đưa tôi lượn một vòng quanh thôn Làng Le. Vốn là người Làng Le, ông rất rành về đời sống của người dân làng mình.

Chỉ tay về những cánh rừng cao su, rừng điều xanh biếc, ông A Việt bảo, giờ đời sống của người dân Làng Le khá hơn trước rất nhiều. Trước đây, bà con chỉ trồng sắn, ngô và lúa rẫy, cuộc sống rất bấp bênh. Nay được hỗ trợ của Nhà nước về cây giống, nông cụ, vật tư, phân bón, được tập huấn kiến thức để áp dụng khoa học-kỹ thuật nên nhiều gia đình đã chuyển sang trồng cao su, điều, cà phê đem lại thu nhập cao.

Nhà rông truyền thống của đồng bào Rơ Măm ở thôn Làng Le. Nhà rông truyền thống của đồng bào Rơ Măm ở thôn Làng Le.

“Trước đây hầu hết các hộ trong làng đều thuộc diện nghèo. Nay hộ nghèo chỉ còn 42 hộ thôi. Trong làng cũng có một số hộ ngoài trồng trọt còn chăn nuôi đại gia súc, nhìn chung khá giả lắm”, A Việt vui vẻ nói.

Nắm khá vững về đời sống của đồng bào Rơ Măm của làng mình, nhưng khi hỏi về lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, A Việt gần như không biết. A Việt nói, ý nghĩa của từ “Rơ Măm” là gì thì ngay cả những người già nhất làng cũng không lý giải nổi.

“Người già nhất của làng hiện cũng đã hơn 101 tuổi, nhưng cụ cũng không biết đâu. Mình chỉ nghe kể lại là ngày xưa, người Rơ Măm đông hơn bây giờ nhiều, có tới 12 làng sống biệt lập ở những nơi cao nhất so với các dân tộc khác. Nhưng rồi, một trận dịch khủng khiếp đã xóa sạch các làng, chỉ còn lại một làng duy nhất là Làng Le hôm nay”, A Việt trầm ngâm nói.

Đúng là A Việt không thể biết được, bởi dạo khắp Làng Le, chúng tôi không nhận thấy được sự khác biệt cơ bản nào giữa người Rơ Măm so với người Jrai-là hai dân tộc sinh sống lâu đời ở mảnh đất này. Đặc biệt nhất là trang phục, hiện đồng bào Rơ Măm ở thôn Làng Le cũng đã thích ứng với những bộ quần áo tiện dụng thời hiện đại. Như A Việt chia sẻ, giờ muốn thấy trang phục truyền thống của người dân Làng Le thì chỉ vào đúng những dịp đặc biệt thôi.

“Khi đó, đàn ông Rơ Măm đóng khố, phía sau buông đến ống chân; phụ nữ Rơ Măm quấn váy và ở trần hoặc mặc áo cộc tay. Váy và khố đều có màu trắng của vải mộc không nhuộm, nhìn đẹp lắm!”, A Việt nói trong sự nuối tiếc.

Sự tiếc nuối của A Việt là có thực bởi đồng bào Rơ Măm ở thôn Làng Le hiện không có người nào biết đến nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Mà muốn có trang phục truyền thống thì phải biết nghề dệt truyền thống. Thế nên việc đồng bào Rơ Măm mặc trang phục của dân tộc khác là điều không quá khó hiểu.

Để tìm lại bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm, từ Đề án bảo tồn 7 nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã nỗ lực mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ Rơ Măm. Hai lớp học được mở ra với kỳ vọng giúp đồng bào Rơ Măm ở Làng Le khôi phục lại nghề truyền thống của mình, từ đó tạo “cú hích” để bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.

Sau hai lớp học, những hội viên tham gia đã tự dệt được những tấm thổ cẩm đẹp để làm nguyên liệu may những bộ trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình. Nhưng lại có ý kiến ra, ý kiến vào rằng, lớp học chưa thực sự thành công vì sau hai khóa học, chị em ai về nhà nấy tự làm; sản phẩm dệt của chị em dù nhiều nhưng chưa trở thành sản phẩm hàng hóa, đem lại thu nhập cho gia đình.

Nhưng đâu phải vậy. Hai lớp học nghề dệt cùng với nhiều phụ nữ Rơ Măm đã quen với tiếng lách cách của khung cửi là kết quả của một sự nỗ lực đi tìm lại quá khứ đã mất. Như chia sẻ của ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, đồng bào Rơ Măm vốn có nghề dệt truyền thống, nhưng đã bị thất truyền từ lâu chứ không phải ở bình diện mai một nữa.

“Hai lớp dạy nghề dệt thổ cẩm là để khôi phục lại nghề truyền thống cho đồng bào. Người Rơ Măm không còn ai biết nghề nên trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi đã mời nghệ nhân người Ba Na từ Gia Lai sang mở lớp. Mục đích trước mắt là giúp đồng bào Rơ Măm khôi phục, giữ lại nghề, làm ra sản phẩm để sử dụng trong gia đình, từ đó mới tính đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống được”, ông Duy cho biết.

Hai lớp dạy nghề dệt thổ cẩm là để khôi phục lại nghề truyền thống cho đồng bào. Người Rơ Măm không còn ai biết nghề nên trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi đã mời nghệ nhân người Ba Na từ Gia Lai sang mở lớp. Mục đích trước mắt là giúp đồng bào Rơ Măm khôi phục, giữ lại nghề, làm ra sản phẩm để sử dụng trong gia đình, từ đó mới tính đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống được” (Ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum)

(Còn tiếp)

KHÁNH THI

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.