Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sắc mới Làng Le

PV - 10:05, 02/08/2019

Từ một vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) hôm nay đã vươn lên phát triển mạnh mẽ toàn diện về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Có được thành quả này là cả một sự nỗ lực, phấn đấu vượt bậc của cả hệ thống chính trị và bà con dân tộc Rơ Măm ở vùng đất ba zan đầy nắng gió này.

Bài 2: Đi lên cùng đất nước

Cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục đào tạo ở Mo Rai được quan tâm, đầu tư. Ảnh TL Cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục đào tạo ở Mo Rai được quan tâm, đầu tư. Ảnh TL

Đã quá trưa nhưng nhà rông thôn Làng Le vẫn tập trung nhiều người dân cùng đội ngũ y bác sĩ của Trạm Y tế xã Mo Rai. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Y Bắp, dân tộc Jrai, cùng 6 y bác sĩ của Trạm đang tất bật thăm khám, hướng dẫn bà con trong làng sử dụng thuốc.

Trạm trưởng Y Bắp cho biết, Trạm thường xuyên tổ chức thăm khám, chữa bệnh cho bà con ngay tại Làng Le. Do bà con ở làng vẫn còn một số phong tục, tập quán chưa phù hợp (ốm đau còn cúng bái, ngủ không mắc màn,…) nên việc Trạm về khám, chữa bệnh tại làng là rất cần thiết.

Theo Trạm trưởng Y Bắp, ngoài việc người dân tự đến các cơ sở y tế thì việc tăng cường khám, chữa bệnh tại địa bàn có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bà con, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, nhiều hủ tục trong hôn nhân (tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống) đã có xu hướng giảm dần trong đời sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm.

“Như năm 2018, tỷ lệ tảo hôn ở Làng Le chỉ chiếm 4,34% tổng số cặp vợ chồng; không có tình trạng hôn nhân cận huyết thống”, Trạm trưởng Y Bắp phấn khởi nói.

Chia sẻ của Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mo Rai khiến tôi càng tin hơn thông số mà anh A Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã cung cấp khi dẫn tôi dạo khắp Làng Le. A Việt nói, người cao tuổi nhất của thôn Làng Le hiện đã hơn 101 tuổi; còn những người dưới 70 tuổi ở làng chưa được gọi là già, bởi sức đi rừng, làm rẫy vẫn không thua trai tráng là mấy.

Như ông A Ren, năm nay đã bước sang tuổi 63 nhưng vẫn cần mẫn canh tác. Ngoài 1ha đất trồng cao su, ông còn trồng lúa, chăn nuôi bò. Ngoài ra, vợ chồng ông còn tích cóp mua được chiếc xe công nông mấy chục triệu đồng để chở hàng nông sản. Cuộc sống cũng chưa phải là dư giả nhưng không nghèo.

Hay như vợ chồng A Dốc-Y Điết, dẫu tuổi không còn trẻ nhưng có sức khỏe, lại khát khao vươn lên nên từ nguồn hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phân bón của Nhà nước, ông bà đã trồng 1ha cây cao su. Gia đình cũng đã mạnh dạn vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển đổi thêm 1ha đất trồng sắn sang trồng cao su để nâng cao thu nhập.

Đến nay, gia đình ông A Dốc và bà Y Điết không những đã thoát được nghèo mà còn có chút của ăn của để. Căn nhà ba gian khang trang của ông bà ngay đầu con dốc dẫn vào Làng Le là minh chứng cho nỗ lực vươn lên ấy.

Những người gọi là già như A Dốc, Y Điếc, A Ren,… đã và đang cho thấy nỗ lực hồi sinh Làng Le của đồng bào dân tộc Rơ Măm. Từ một vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, Làng Le đang thực sự cho thấy khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong hành trình đi lên cùng đất nước.

Thế nên, dù chỉ có 151 hộ, với 453 nhân khẩu, bao gồm các độ tuổi nhưng Làng Le hiện có diện tích đất trồng lúa, trồng cao su, trồng điều và chăn nuôi không hề thua kém so với 11 thôn làng khác của xã Mo Rai. Với nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án (Chương trình 30a, Chương trình 135, Quyết định 2086/QĐ-TTg,…), ở Làng Le hiện có 28ha lúa ruộng, 123ha lúa rẫy, gần 35ha cao su, 38ha điều.

Cùng với trồng trọt, bà con cũng đã phát triển được đàn gia súc, gia cầm gần 600 con để tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Năm 2018, thu nhập bình quân của Làng Le đạt 13 triệu đồng/người/năm, gấp đôi so với năm 2011. Cùng với đồng bào các DTTS trên địa bàn xã Mo Rai, người dân Làng Le đang phấn đấu nâng thu nhập lên hơn 15 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2019.

Khát vọng vươn lên không chỉ với những người lớn tuổi mà cũng đang thôi thúc lớp trẻ ở Làng Le. Với lớp trẻ, khát vọng đó được thể hiện bằng con đường khác, đó là hành trình theo đuổi học vấn. Bởi họ nghĩ, chỉ có kiến thức thì mới thực sự hồi sinh Làng Le.

A Thái, Trưởng thôn Làng Le là một ví dụ. Không phải ngẫu nhiên mà một chàng trai sinh năm 1992 lại được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn hơn một năm nay. Bởi bà con tin ở A Thái, nhất là sự quyết tâm.

A Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mo Rai là anh trai ruột của A Thái kể, A Thái vất vả lắm. Sau khi đi nghĩa vụ quân sự 3 năm, Thái về và được cử đi học một trường cao đẳng ở tỉnh. Nhưng gia đình khó khăn nên Thái xin nghỉ, về làm kinh tế, rồi được bầu làm Trưởng thôn.

“Bà con tin Thái làm được vì dù khó khăn nhưng Thái vẫn quyết học tập. Hiện em tôi đang theo học Khoa Luật của Trường Đại học Đà Nẵng phân hiệu tại Kon Tum”, A Việt tự hào nói.

Làng Le đang thực sự khát khao vươn lên từ chính những con người như A Dốc, Y Điếc, A Ren, A Thái,… Quyết tâm của đồng bào Rơ Măm ở Làng Le càng có thêm động lực từ những chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Dẫu còn không ít khó khăn nhưng một Làng Le khởi sắc nơi miền biên viễn là tương lai đang đón đợi.

KHÁNH THI

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.