Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sản phẩm OCOP miền núi: Góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS

Hồng Minh - 18:01, 24/11/2020

Mang đặc trưng văn hóa địa phương, những sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đang dần khẳng định được chỗ đứng trên bản đồ sản phẩm OCOP Việt Nam. Quan trọng hơn cả, sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào DTTS, tiếp sức tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm OCOP trà hoa vàng đã và đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường
Sản phẩm OCOP trà hoa vàng đã và đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường

Là một trong những hộ dân đi đầu trong bảo tồn và khai thác hiệu quả trà hoa vàng, anh Nịnh Văn Trắng, dân tộc Sán Chỉ, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều thành quả đáng mừng. Năm 2006, khi biết loại cây quý này đem lại giá trị kinh tế cao, anh Trắng vừa thu mua trà hoa vàng từ tự nhiên, vừa tìm cây giống để ươm trồng. Sau 4 năm, đất không phụ công người, lứa trà trồng đầu tiên đã mang lại cho gia đình anh khoản thu nhập không nhỏ.

Để mở rộng sản xuất, anh Trắng đã thành lập Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh do anh làm chủ. Đến nay, doanh nghiệp đã trồng được trên 3ha trà hoa vàng với hơn 1 vạn gốc. Ngoài trồng, sản xuất giống trà hoa vàng, hiện công ty còn đứng ra thu mua, bao tiêu toàn bộ trà cho người dân trên địa bàn, để chế biến sản xuất 3 sản phẩm OCOP là trà túi lọc, hoa khô và lá. Mỗi năm gia đình anh thu về gần 2 tỷ đồng từ giống trà này.

Giống như anh Trắng, gia đình ông Đàm Văn Cường, dân tộc Sán Chỉ, xã Thanh Sơn, đã đầu tư trồng và phát triển cây trà hoa vàng đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, gia đình ông Cường đã có trên 3ha trà hoa vàng đang sinh trưởng và phát triển tốt, hằng năm cho sản lượng trên 60kg trà khô, mang lại nguồn thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Được biết, nhằm khai thác thế mạnh từ loài cây trồng bản địa, từ năm 2015, huyện Ba Chẽ bắt đầu quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu, trong đó tập trung nhân rộng cây trà hoa vàng. Trong giai đoạn vừa qua, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 174 hộ tham gia vào các dự án trồng trà hoa vàng tập trung.

Từ hiệu quả mà trà hoa vàng mang lại, sản phẩm này đã và đang trở thành loại cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện, đồng thời là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, là sản phẩm có doanh thu cao tại các hội chợ.

Cũng là sản phẩm mang đặc trưng địa phương, những sản phẩm là từ mây tre của người Tày ở xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cũng đang định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Ít ai biết rằng, từ rất lâu trên vùng núi bình yên của người dân nơi đây, các em gái người Tày từ nhỏ đã được học cách đan lát các vật dụng gia đình, như: rổ, rá, làn, giỏ, nón lá ... Nhưng cuộc sống hiện đại ngày nay đã khiến các sản phẩm thủ công dần bị mai một và thay vào đó là các sản phẩm làm bằng nhựa rổ nhựa, bát nhựa, cốc nhựa, làn nhựa... Đó là những sản phẩm được thiết kế rất gọn gàng và bắt mắt, nhưng ít ai biết được các sản phẩm đó được sản xuất như thế nào? Tác hại ra sao?...

Hợp tác xã Nhật Minh ra đời nhằm khôi phục lại nghề truyền thống của đồng bào Tày ở Khuôn Hà thông qua dòng sản phẩm mới như: cốc, hộp đựng trà, hộp đựng quà… bằng mây, tre. Qua đó, giúp người dân trong làng có việc làm, có thêm thu nhập. 

Nhờ thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, việc sản xuất của Hợp tác xã đã dần ổn định. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường 1.800 đến 2.300 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu hơn 50 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng. Còn khi vào thời vụ, có đơn đặt hàng số lượng lớn thì phải huy động gần 20 lao động tham gia. Một số người dân có thể tranh thủ lúc nhàn rỗi đến làm việc và được trả công là 150 ngàn đồng/ ngày. 

Sản phẩm OCOP của đồng bào DTTS được người tiêu dùng đón nhận
Sản phẩm OCOP của đồng bào DTTS được người tiêu dùng đón nhận


Tại Hội nghị Đánh giá Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 khu vực phía Bắc vừa qua, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương nhấn mạnh: Chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi, cơ hội để nông dân liên kết, xây dựng hợp tác xã để sản xuất ra sản phẩm; đồng thời, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào DTTS; phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như đồng bào DTTS. Đúng với mục tiêu mà Chính phủ hướng tới trong phát triển kinh tế, xã hội là phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.