Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sản xuất nông nghiệp ở miền núi trước biến đổi khí hậu: Thực hành nông nghiệp thông minh (Bài 3)

Khánh Thi - CĐ - 18:21, 20/09/2021

Nếu như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”, thì các tỉnh miền núi cũng đã có những mô hình nông nghiệp thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA). Nhưng đây mới chỉ là những mô hình ở dạng thực hành, rất cần được quan tâm nhân rộng.

 Mô hình nuôi giun quế từ nguồn chất thải của trâu, bò để làm thức ăn cho gà, tạo mùn cho đất, đồng thời cũng là phân bón cho cây trồng ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện yên Bình (Yên Bái) cần được nhân rộng.
Mô hình nuôi giun quế từ nguồn chất thải của trâu, bò để làm thức ăn cho gà, tạo mùn cho đất, đồng thời cũng là phân bón cho cây trồng ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện yên Bình (Yên Bái) cần được nhân rộng.

Làng nông thôn “thuận thiên”

Thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) có khoảng 200 hộ, với 750 nhân khẩu, trong đó 50% dân số là đồng bào dân tộc Cao Lan. Thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu từ chăn nuôi và sản xuất lâm nghiệp; nhưng thôn Mạ lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là tình trạng hạn hán kéo dài, mưa lớn bất thường và các đợt lạnh đột ngột.

Năm 2014, Chương trình Nghiên cứu biến đổi khí hậu nông nghiệp và an ninh lương thực Đông Nam Á (CCAFS-SEA) của Tổ chức Tư vấn quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp (CGIAR), đã chọn thôn Mạ để triển khai mô hình “Làng nông thôn thuận thiên”. Tham gia mô hình, các hộ dân ở thôn Mạ được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Anh Trần Trung Kiên, một hộ dân ở thôn Mạ, chia sẻ: Khi tham gia mô hình, anh được tập huấn những kiến thức nuôi giun quế từ nguồn chất thải của trâu, bò để làm thức ăn cho gà, tạo mùn cho đất; đồng thời cũng là phân bón cho cây trồng. Anh tận dụng cám cưa từ các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn và cám gạo để làm đệm lót sinh học trong nuôi gà, khử mùi hôi chất thải…

“Có kiến thức về chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm của gia đình tôi phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh. Kinh tế đi lên nên gia đình tôi thoát nghèo từ năm 2017”, anh Kiên cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng thôn Mạ, từ khi triển khai mô hình “Làng nông thôn thuận thiên”, người dân trong thôn được hướng dẫn trồng sắn xen với các cây họ đậu, trồng cỏ giảm xói mòn và tăng độ màu mỡ của đất, canh tác lúa thông minh ứng phó với BĐKH, quản lý tưới tiêu trong canh tác lúa và phát triển hệ thống chăn nuôi gia súc trong chuồng trại. Các kỹ thuật canh tác này rất dễ áp dụng, tính thực tiễn cao vừa giúp giảm thiểu lượng khí thải nông nghiệp vừa đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập.

Được biết, ngoài thôn Mạ của tỉnh Yên Bái, mô hình “Làng nông thôn thuận thiên” cũng được thí điểm thực hành tại thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) và ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu). Đây là những vùng có sự tác động rõ rệt của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp, hệ sinh thái, sinh kế người của người dân.

Tham gia mô hình “Làng nông thuận thiên”, người nông dân có thể đóng bảo hiểm nông nghiệp để được chi trả rủi ro thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi do sự thay đổi bất thường của thời tiết. Mô hình cũng khuyến khích nông dân sử dụng máy công cụ tiết kiệm nhiên liệu, quản lý phụ phẩm nông nghiệp; áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước tưới cho cây trồng (tận dụng nước ngầm, tích trữ nước mưa) và thành lập các đội công cộng quản lý và bảo vệ nguồn nước hiệu quả…; Bước đầu, mô hình “Làng nông thuận thiên” đã tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH.

“Lên giây cót” hành động

Sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH như mô hình “Làng nông thôn thuận thiên" ở Yên Bái, Hà Tĩnh, Bạc Liêu là xu hướng tất yếu hiện nay. Bởi thực tế, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, các đợt lạnh tăng cường ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long và hạn hán ở Tây Nguyên đang tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của nước ta (Ảnh minh họa)
Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của nước ta (Ảnh minh họa)

Như Cao Bằng, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, trong 2 năm (2019, 2020), ngành Nông nghiệp chịu thiệt hại do BĐKH. Đặc biệt là năm 2019, diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại là 1.536 ha, riêng diện tích lúa bị thiệt hại 997,3 ha (trong đó 139,8 ha thiệt hại trên 70%). Lĩnh vực chăn nuôi cũng bị thiệt hại với 1.818 con gia cầm (gà, vịt) bị cuốn trôi; 385 con gia súc bị chết (do rét đậm, rét hại, sét, cuốn trôi)…

Trước thực tế đó, ngày 15/12/2020, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 2542/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Sở NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến nông nghiệp và đề xuất các giải pháp ứng phó để phát triển nông nghiệp bền vững .

Theo ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Bằng, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu tỉnh ban hành Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xem đây là đột phá chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Ông Tiến cũng cho rằng, việc đưa một nền nông nghiệp sản xuất thủ công, lạc hậu trở thành nông nghiệp công nghệ cao, là một hành trình dài, đầy gian nan thử thách. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, ngành Nông nghiệp Cao Bằng đã và đang có những bước đi đầu tiên vững chắc, tạo tiền đề cho những chuyển biến, tăng tốc trong tương lai.

Phải khẳng định, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp truyền thống sang hướng thích ứng với BĐKH và bền vững với môi trường sẽ giúp ngành Nông nghiệp khắc phục được những thách thức liên quan đến BĐKH. Thời gian qua, nhiều dự án lớn từ nguồn ngân sách nhà nước đã được triển khai để ngành Nông nghiệp nước ta bắt kịp với xu thế này.

Ngay đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”. Theo đó, tỉnh Đắk Nông được bố trí gần 127 tỷ đồng; tỉnh Đắk Lắk được bố trí 118,59 tỷ đồng, tỉnh Ninh Thuận được bố trí 143,151 tỷ đồng. Cả 3 dự án đều nhằm mục tiêu trao quyền cho nông hộ nhỏ dễ bị tổn thương trên địa bàn các tỉnh, đặc biệt là phụ nữ và người DTTS, để quản lý rủi ro khí hậu ngày càng tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ, về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh đã mang lại hiệu quả cao. Chính phủ đã bố trí 10.000 tỷ đồng để xử lý sạt lở bờ biển và một số khu vực ven sông, ứng dụng công nghệ mới nhất được đưa vào sử dụng.