Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam: Từng bước “gõ cửa” những thị trường khó tính

PV - 16:24, 22/02/2018

Kết thúc năm 2017, cùng với những thành tựu chung của nền kinh tế, sản xuất nông nghiệp nước ta đã đạt được những kết quả rất ấn tượng, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Đáng chú ý, một số nông sản chủ lực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã vượt qua được những tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Một năm vượt khó

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017, lần đầu tiên chúng ta đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội Quốc hội đề ra. Đáng chú ý, kết thúc năm 2017, tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm trong nước) đạt 6,81%, tổng thu ngân sách vượt dự toán 5% (cao hơn số đã báo cáo trước Quốc hội vào tháng 10/2017 là 2,3%).

Trong thành quả chung của nền kinh tế vĩ mô năm 2017, ngành Nông nghiệp nước ta cũng đạt được những kết quả đầy khả quan. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2017, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra là 2,84%. Cùng với đó, cả nước đã có 2.884 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 32,3%-vượt kế hoạch được giao là 31%;…

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt được phong độ ấn tượng. (Ảnh minh họa) Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt được phong độ ấn tượng. (Ảnh minh họa)

 

Một trong những kết quả nổi bật nhất của ngành Nông nghiệp trong năm 2017 là vượt chỉ tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đầu năm, ngành được Chính phủ giao xuất khẩu 32-33 tỷ USD; kết thúc năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta cán mốc 36,37 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 1 tỷ USD so với năm 2016.

Đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu ấn tượng của ngành Nông nghiệp đáng chú ý nhất là giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Kết thúc năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2016. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2017, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, nhiều nông sản chủ lực của nước ta đã “gõ cửa” được các thị trường khó tính. Tháng 1/2017, sau 9 năm đàm phán và làm thủ tục, Australia chấp nhận nhập khẩu thanh long từ Việt Nam. Đến cuối năm (ngày 19/12), lô chanh leo đầu tiên của nước ta, được trồng ở tỉnh Sơn La, đã chính thức được xuất sang Pháp.

Thanh long được xuất khẩu sang Australia sau 9 năm đàm phán. Thanh long được xuất khẩu sang Australia sau 9 năm đàm phán.

 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chanh leo được xuất khẩu sang Pháp (sắp tới sẽ là Thụy Sỹ) là một tín hiệu vui cho lĩnh vực xuất khẩu rau quả. Thời gian gần đây, chanh leo đang là một cây trồng tiềm năng rất lớn tại Việt Nam, nhất là tại các tỉnh miền núi. Hiện cây chanh leo đang được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, với diện tích khoảng 5.000ha.

Để “phong độ” không là nhất thời

Phải khẳng định, vượt qua một năm đầy khó khăn, ngành Nông nghiệp nước ta đã đạt được một phong độ rất ấn tượng. Đây là bệ phóng cần thiết để thực hiện các chỉ tiêu trong năm 2018-năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2016-2020. Tuy nhiên, để không rơi vào tình trạng “phong độ chỉ là nhất thời” thì ngành Nông nghiệp nước ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Một trong những khó khăn được dự báo rõ ràng nhất là biến đổi khí hậu sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, sẽ tác động đến mọi mặt đời sống, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Thống kê tổng thiệt hại đối với nền kinh tế do thiên tai trong 2 năm gần đây (2016-2017) đã cho thấy rõ điều đó.

Trong khi đó, ngành Nông nghiệp nước ta vẫn còn một “sức ỳ” nhất định trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng “nội lực” của ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn rất hạn chế. Đó là: các doanh nghiệp, cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, phân tán; công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu là sơ chế đơn giản, chỉ có một số rất ít sử dụng dây chuyền chế biến hiện đại đạt từ 25% đến 30%, trong khi trung bình các nước ASEAN đạt 50%; năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế…

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực rất kém, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô cho nên giá trị gia tăng không nhiều. Những rào cản về kỹ thuật là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng nông sản.

Trong năm 2017 đã xảy ra hai trường hợp điển hình về những khó khăn này khi xuất khẩu thủy sản vào hai thị trường khó tính bậc nhất là Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU). Thứ nhất là trường hợp mặt hàng cá da trơn Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đã gặp khó khi phía Mỹ không chỉ dừng lại ở kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, mà kiểm tra hàng tận nơi xuất xứ, tức là kiểm soát cả quy trình. Thứ hai là vào ngày 23/10, EU chính thức rút “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác trên biển của Việt Nam. Nếu sau 6 tháng (tức 23/4/2018-Pv), nếu Việt Nam không khắc phục những vấn đề khai thác trái phép, EU sẽ tiếp tục rút “thẻ đỏ”. Điều này có thể khiến thủy sản nước ta không thể vào được thị trường EU.

Nhận diện những thách thức này để ngành Nông nghiệp nước ta có những tính toán phù hợp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Có như vậy, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sẽ cùng với các ngành kinh tế chủ lực khác phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 đã được Quốc hội thông qua.

KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.