Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Sáng 6/2, thế giới có trên 393 triệu người mắc COVID-19

PV - 10:12, 06/02/2022

Đến sáng 6/2, thế giới có trên 393 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,74 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 393 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)
Đến nay, hơn 393 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch  COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 77,55 triệu ca mắc và hơn 925.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 53.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã vượt mốc 900.000 người, chiếm 15,7% số số người tử vong toàn cầu và Mỹ tiếp tục là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất do COVID-19. Số ca tử vong cao là do vẫn còn hàng chục triệu người Mỹ không tiêm chủng dù Mỹ có nguồn vaccine dồi dào. Theo thống kê của cơ quan chức năng Mỹ, có khoảng 8,1 triệu thành viên các gia đình rơi vào cảnh mất người thân do dịch bệnh, khoảng 400.000 người tử vong do biến chủng Delta và  biến thể Omicron kể từ mùa hè 2021.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo, trong 4 tuần tới, nước này có thể ghi nhận thêm khoảng 65.000 ca tử vong do COVID-19, trung bình là khoảng hơn 2.500 ca tử vong do COVID-19 một ngày. Dù dịch tiếp tục bùng phát, đến nay, vẫn còn khoảng 62 triệu người Mỹ đủ điều kiện nhưng chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 , trong khi các nghiên cứu cho thấy, những người chưa chủng ngừa có nguy cơ tử vong cao hơn gần 100 lần so với người đã tiêm chủng đầy đủ và tiêm mũi tăng cường.

CDC Mỹ vừa cho triển khai một thiết bị đo mới nhằm truy vết COVID-19 trong các mẫu nước thải tại hơn 400 địa điểm trên khắp nước Mỹ. CDC Mỹ cho biết, nhiều người mắc COVID-19 đã thải virus theo phân và việc xét nghiệm nước thải có thể giúp phát hiện COVID-19 trong cộng đồng. Virus SARS-CoV-2 vẫn sinh sôi trong môi trường nước thải khoảng 4-6 ngày nên việc giám sát nước thải có tác dụng như cảnh báo sớm về khả năng tăng số ca mắc COVID-19 và giúp các cộng đồng có biện pháp đề phòng và ngăn chặn. Xét nghiệm nước thải cũng đã từng được sử dụng thành công như một phương pháp để phát hiện nhiều bệnh khác như bệnh bại liệt.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 5/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 501.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 .

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 631.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 26,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Bộ Y tế Brazil vừa tiếp nhận hơn 2 triệu liều vaccine Pfizer ngừa COVID-19 để sử dụng cho các đối tượng vị thành niên từ 12 tuổi; qua đó nâng tổng số vaccine mà nước này sử dụng cho nhóm tuổi trên lên gần 180 triệu liều. Giới chức y tế Brazil khẳng định, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Brazil đã đạt được những bước tiến quan trọng khi đã phân bổ được tới 431 triệu liều vaccine cho tất cả các địa phương trên cả nước. Đến nay đã có hơn 152 triệu người dân Brazil đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine cơ bản, tương đương với 85% dân số nước này. Trong khi đó, đã có khoảng 41 triệu người được tiêm mũi vaccine tăng cường.

Mặc dù vậy, Brazil hiện vẫn đang phải đối phó với làn sóng dịch mới. sau sự xuất hiện của biến thể Omicron. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận gần 300.000 ca mắc COVID-19 mới, con số kỷ lục trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, và hơn 1.000 trường hợp tử vong.

Giới chức y tế Nga ngày 5/2 cho biết, số ca mắc COVID-19 mới ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục mới do biến thể Omicron tiếp tục lây lan. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 177.282 ca COVID-19 so với 168.201 trường hợp trong ngày trước đó. Số ca tử vong do COVID-19 trong ngày qua ở Nga là 714 người.

Số ca mắc mới tại Nga đã tăng lên mức kỷ lục với 177.282 trường hợp. (Ảnh: AP)
Số ca mắc mới tại Nga đã tăng lên mức kỷ lục với 177.282 trường hợp. (Ảnh: AP)

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Omicron. Các chuyên gia nhận định, làn sóng dịch mới nhất của Nga có thể đạt đỉnh trong tháng 2 này và thực tế số ca bệnh có thể cao hơn thống kê, vì biến thể Omicron chỉ gây ra triệu chứng nhẹ ở những người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc COVID-19 trước đó nên nhiều người chủ quan không đi xét nghiệm.

Nga là nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19 và hiện sử dụng 4 loại vaccine nhưng mới chỉ gần một nửa dân số tiêm đủ 2 mũi cơ bản. Tuần trước, nhà sản xuất vaccine Sputnik V khẳng định, vaccine này có thể bảo vệ mạnh mẽ trước biến thể Omicron.

Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã ký ban hành luật bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với người trưởng thành, qua đó đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng quy định nghiêm khắc này. Luật áp dụng với tất cả người lớn, trừ phụ nữ mang thai và những người được miễn trừ vì lý do y tế. Sau giai đoạn "giới thiệu" luật, những người không tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể bị phạt đến 3.600 Euro (4.100 USD) vào giữa tháng 3 tới.

Hàng chục nghìn người Áo đã tham gia những cuộc biểu tình đều đặn vào cuối tuần trên cả nước kể từ khi luật trên mới còn là dự luật được đưa ra thảo luận hồi tháng 11/2021. Tuy nhiên, dự luật đã nhận được sự ủng hộ chính trị rộng rãi của hầu hết các đảng trong Quốc hội, trừ một số nhóm cực hữu.

Hiện đã có 69% người Áo hoặc người thường trú tại nước này có giấy chứng nhận tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, bao gồm cả mũi tăng cường cho những người tiêm mũi gần nhất trước đó hơn 6 tháng.

Công ty dược phẩm Afrigen của Nam Phi cho biết đã sử dụng trình tự được công bố của vaccine mRNA của hãng Moderna để bào chế phiên bản vaccine ngừa COVID-19 riêng. Dự kiến, loại vaccine này sẽ được thử nghiệm lâm sàng trước cuối năm nay. Đây sẽ là ứng viên vaccine đầu tiên trên thế giới được bào chế dựa trên một loại vaccine đã được sử dụng rộng rãi mà không có sự hỗ trợ hay cấp phép từ phía nhà phát triển.

Năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lựa chọn một nhóm các tổ chức, trong đó có Afrigen, để tham gia vào dự án cung cấp kỹ thuật sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo và thu nhập trung bình, sau khi các hãng dược hàng đầu thị trường từ chối chia sẻ kỹ thuật và chuyên môn. WHO và các đối tác hy vọng, giải pháp này sẽ giúp khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo. Hiện Moderna chưa có bình luận về thông tin này.

Số ca mắc COVID-19 mới tại Singapore tăng vọt sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lần đầu tiên vượt 10.000 ca/ngày, với số người nhập viện điều trị cũng như số ca tử vong gia tăng. Bộ Y tế Singapore cho biết, Singapore ghi nhận 13.046 ca mắc mới, tăng hơn gấp 3 so với một ngày trước đó. Phần lớn các ca mắc mới được nghi nhận trong cộng đồng. Kết quả này được ghi nhận khi Singapore hiện đạt tỷ lệ tiêm chủng 92% , trong đó 59% đã tiêm mũi 3.

Đến nay, tổng số ca mắc trên cả nước lên thành 379.681 người. Đa số ca bệnh mới là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ có 162 ca là các người nhập cảnh. Cùng ngày, với thêm 6 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Singapore đã tăng lên thành 866 bệnh nhân.

Ngày 5/2, Malaysia thông báo đã ghi nhận 9.117 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ đầu tháng 10/2021, đưa tổng số ca mắc ở nước này tới nay lên hơn 2,9 triệu ca. Tuy nhiên, do có gần 79% dân số đã hoàn thành tiêm các mũi vaccine cơ bản và 52% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi tăng cường nên đa số trường hợp mắc COVID-19 tại Malaysia hiện nay là nhẹ. Bộ Y tế Malaysia cho biết, mối quan tâm hàng đầu hiện nay là mức độ nghiêm trọng của các trường hợp mắc COVID-19, không phải là số ca nhiễm hàng ngày.

Số ca mắc mới tại Nga đã tăng lên mức kỷ lục với 177.282 trường hợp. (Ảnh: AP)
Số ca mắc mới tại Nga đã tăng lên mức kỷ lục với 177.282 trường hợp. (Ảnh: AP)

Chính quyền Indonesia sẽ yêu cầu những người từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh đi kèm và chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 không được ra khỏi nhà trong tháng tới. Người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia cho biết, các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường… là nguyên nhân khiến số ca tử vong do COVID-19 tăng đột biến trong thời gian gần đây tại quốc gia này

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia ngày 5/2 cho biết, số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tăng khá nhanh trong vài ngày qua, cùng với các dữ liệu có được, hầu hết bệnh nhân COVID-19 tử vong đều là người cao tuổi. Đối với những trường hợp có biểu hiện nhẹ nên tự cách ly và điều trị tại nhà, nhưng những bệnh nhân thuộc nhóm người cao tuổi cần được đưa ngay đến bệnh viện hoặc khu cách ly tập trung.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Thái Lan đã phê chuẩn tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng sản xuất dược phẩm Trung Quốc Sinovac và Sinopharm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng cường "lá chắn" phòng chống COVID-19. Trước đó, cơ quan này chỉ mới cấp phép tiêm vaccine của các hãng trên cho người dân từ 18 tuổi trở lên và cho phép tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Về tình hình dịch bệnh, Thái Lan ghi nhận hơn 10.400 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong hơn 3 tháng qua.

Chính phủ Hàn Quốc vừa quyết định gia hạn 2 tuần các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron. Quyết định trên được đưa ra khi số ca mắc mới COVID-19 ở nước này liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục. Trong 24 giờ qua, lần đầu tiên nước này có thêm hơn 36.300 ca mắc mới. Nguyên nhân là do biến thể Omicron lây lan nhanh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Để hạn chế các ca bệnh nặng, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định giảm độ tuổi được sử dụng thuốc điều trị COVID-19 từ 60 tuổi xuống còn 50 tuổi. Các cơ quan y tế đang xem xét cách thức cải thiện hệ thống điều trị COVID-19 tại nhà để đối phó với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng ban hành quy định mới, theo đó chỉ những người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính mới phải làm xét nghiệm PCR.

Ngày 5/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận 9 ca mắc mới trong cộng đồng, giảm so với mức 12 ca hôm 3/2. Theo NHC, trong các ca bệnh trên, có 6 ca tại tỉnh Quảng Đông, 2 tại Thiên Tân và 1 tại thủ đô Bắc Kinh.

Ngoài ra, toàn Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận thêm 27 ca mắc mới. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục hiện tăng lên thành 106.297 ca, trong đó số người tử vong vẫn là 4.636 trường hợp.

Ngày 5/2, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận 343 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, mức cao nhất trong 1 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở thành phố này trong 2 năm qua.

Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 5/2, Cục trưởng Cục Y tế và vệ sinh thực phẩm Trần Triệu Thủy nhận định, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca bệnh có thể sẽ tiếp tục tăng lên, nhưng nhà chức trách đã có sẵn phương án dự phòng như lên kế hoạch sớm nhất vào tuần sau sẽ sử dụng Trung tâm cách ly Penny’s Bay cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, người tiếp xúc gần sẽ được sắp xếp cách ly tại nhà. Bà cho biết, kết quả giám sát nước thải cho thấy, dịch bệnh đang lan rộng ở nhiều quận, Hong Kong đang phải chạy đua với thời gian để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ngoài những biện pháp quyết liệt, chính quyền cũng cần sự chung tay của người dân ở nhà chống dịch.

Tin cùng chuyên mục
Đồng bào các DTTS Bạc Liêu cần đưa di sản và bản sắc văn hóa thành nguồn lực để phát triển bền vững

Đồng bào các DTTS Bạc Liêu cần đưa di sản và bản sắc văn hóa thành nguồn lực để phát triển bền vững

Đồng bào các DTTS tỉnh Bạc Liêu cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời nhanh chóng bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chuyển hóa các di sản và bản sắc dân tộc trở thành nguồn lực, tài nguyên cho sự phát triển bền vững; luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin theo các luận điệu xuyên tạc, chống phá, chia rẽ dân tộc. Đây là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV, năm 2024.