Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Sáng mãi tinh thần thi đua yêu nước

PV - 08:45, 05/06/2018

Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc lấy ngày 11/6 hằng năm là Ngày Thi đua yêu nước.

Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc triển khai sâu rộng việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay. Trải qua 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018), phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực to lớn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày

Được về tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, điển hình tiên tiến qua các thời kỳ vừa diễn ra tại Hà Nội, thầy giáo Hà Mạnh Quyết, dân tộc Thái, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tân Dân (Mai Châu, Hòa Bình) không khỏi xúc động. Trong nhiều năm qua, thầy Quyết và các giáo viên trong trường bằng mọi nỗ lực và công sức của mình đã tạo dựng được những điều kiện cơ bản để tổ chức đời sống bán trú cho học sinh, xây dựng nhà trường từng bước phát triển để đến nay đã là một trường phổ thông dân tộc bán trú khang trang.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa, tuyên dương các gương điển hình tiêu biểu trên một số lĩnh vực. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa, tuyên dương các gương điển hình tiêu biểu trên một số lĩnh vực.

 

Thầy Quyết chia sẻ: Trường được thành lập năm 2007 sau khi xã Tân Dân tách từ huyện Đà Bắc. Đây là xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình nằm biệt lập giữa vùng đồi núi do hồ thủy điện sông Đà chia cắt. Đường đến trường xa, cuộc sống nghèo khó khiến những đứa trẻ nơi đây cứ đến trường được vài ngày rồi lại bỏ học. Thấu hiểu cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây, thầy Hà Mạnh Quyết cùng tập thể thầy cô nhà trường đến từng thôn bản vận động các gia đình cho con em đến lớp.

Nhìn vào bữa ăn của học trò, thầy Quyết nhiều lần không kìm được nước mắt. Thầy đã mua lại của người dân chiếc vó cũ với giá 6 triệu đồng, học người dân cách đánh bắt, rồi hằng đêm, sau khi soạn giáo án xong, thầy cùng các giáo viên khác lại lặng lẽ xuống lòng hồ sông Đà kéo vó kiếm cá. Cá kiếm được dù to hay nhỏ sẽ được chuyển về bếp của nhà trường, sau đó chia cho các em cải thiện bữa ăn hằng ngày. Hôm nào được nhiều cá thì đóng hộp rồi chở ra ngoài thị trấn bán lấy tiền mua thêm gạo và các thực phẩm khác để dành cho học sinh.

Cũng như nhiều tấm gương khác về dự Lễ tuyên dương, anh nông dân Điểu Tam, dân tộc M’nông ở bon Đăk R’Moan, xã Đăk R’Moan, (TX. Gia Nghĩa, Đăk Nông) cũng không nghĩ rằng việc anh hiến hơn 4000m2 đất mặt đường để xây trường mầm non và nhà văn hóa cộng đồng sẽ được tuyên dương. Điểu Tam chỉ có một suy nghĩ đơn giản là mong muốn bà con và các cháu trong bon không phải vất vả. Những năm trước, mấy chục trẻ mầm non của bon phải học trong một căn nhà tạm bợ, nhiều gia đình phải đưa con đi học tận ngầm 18 (cách bon gần 10km), việc đưa đón rất vất vả nhất là vào mùa mưa. “Mình may mắn khi biết được ít chữ, riêng vợ thì không được đi học, đến nay vẫn không biết chữ. Bây giờ, thương con cháu phải đi học đường xa, nên khi thôn vận động hiến đất để làm trường, hai vợ chồng mình đồng ý ngay”, Điểu Tam vui vẻ chia sẻ.

Những câu chuyện cảm động, những tấm gương bình dị trên cả nước nhưng mang đầy ý nghĩa, đã tạo ra sức lan tỏa rất lớn. Họ là minh chứng sống động, mạnh mẽ nhất cho giá trị bền vững của Lời kêu gọi thi đua yêu nước trong 70 năm qua của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cổ vũ các phong trào thi đua trên cả nước, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, đổi mới và bảo vệ đất nước.

Thi đua đã thực sự trở thành một động lực

70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Đảng, nhân dân ta luôn quán triệt và không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Nhiều điển hình tập thể, cá nhân, tổ chức xuất hiện và ngày càng được nhân rộng, lan tỏa trong các phong trào thi đua yêu nước. Tổng kết công tác thi đua khen thưởng 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và trên 9.300 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.332 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng thưởng hàng trăm ngàn Huân chương, Huy chương, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước.

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương), 70 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng với những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển trong dòng chảy liên tục, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, phong trào thi đua cũng được tiến hành một cách toàn diện. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ đầu trong các phong trào thi đua. Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, đem lại lợi ích thiết thân, cụ thể cho đất nước, xã hội, con người; khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tích cực chính trị-xã hội của nhân dân, của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, tạo động lực tinh thần, vật chất mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người người thi đua, ngành ngành thi đua, phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc của nhân dân.

NGỌC TUẤN