Tiếp nối thành công của Hội chợ Làng nghề Việt Nam những năm trước, năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tổ chức Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 - năm 2024.
Đây là hoạt động thường niên, có ý nghĩa quan trọng nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống, nghệ nhân, thợ giỏi có sản phẩm tiêu biểu; giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP; tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và kết nối các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Hội chợ lần này sẽ diễn ra từ ngày 3 - 6/10, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn và trên 1.000m2 diện tích đất trưng bày được thiết kế, trang trí đặc biệt.
Đến thời điểm hiện tại, Ban Tổ chức đã nhận được đăng ký tham gia của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước. Các sản phẩm mang tới Hội chợ gồm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống như: Gốm sứ Bát Tràng, tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ …
Ngoài ra, Hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, hữu cơ, tiêu biểu, chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của địa phương trong cả nước.
Trong khuôn khổ Hội chợ lần này sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động: Lễ khai mạc Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 và trao giải Hội thi sản phẩm làng nghề Thành phố Hà Nội năm 2024 (thời gian: 8h30 - 10h00 ngày 3/10, tại sảnh tầng 1, Nhà triển lãm nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội); Diễn đàn “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử” (thời gian: 8h30 - 11h30 ngày 4/10, kết hợp trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom); tổ chức đưa các đoàn nghệ nhân, thợ thủ công, cán bộ nông nghiệp các địa phương đến tham quan và học tập.
Đặc biệt, nhằm đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, điểm nhấn tại Hội chợ là hoạt động Livestream bán sản phẩm làng nghề và các nông đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok.