Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới sắp chạm ngưỡng 224 triệu

PV - 09:47, 10/09/2021

Tính đến sáng 10/9, thế giới ghi nhận 223.996.440 ca nhiễm COVID-19, với 4.619.847 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 601.968 ca mắc mới, trong đó, Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với 160.748 ca.

Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở Mississauga, Greater Toronto Area, Ontario (Canada), ngày 9/9/2021. (Ảnh: Xinhua)
Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở Mississauga, Greater Toronto Area, Ontario (Canada), ngày 9/9/2021. (Ảnh: Xinhua)

Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 10/9 cho thấy, hiện toàn thế giới có 200.584.018 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.792.575 ca bệnh đang điều trị thì có 18.688.753 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 103.822 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan sang 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất. 

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 10/9, hiện 41,3% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 5,6 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 30,38 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp, dù đã được cải thiện song vẫn còn khiêm tốn, chỉ ở mức 1,9%.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 56.486.312 trường hợp, trong đó có 1.187.580 ca tử vong và 51.591.239 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 134.065 ca mắc mới.

Hiện, Bắc Mỹ có 49.882.653 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.021.167 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 41.561.156 ca nhiễm và 674.547 ca tử vong vì COVID-19.

Trong bối cảnh biến thể Delta đang lan rộng khiến số ca nhập viện và tử vong gia tăng, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ đặt các quy định nghiêm ngặt, theo đó bắt buộc tiêm vaccine đối với toàn bộ nhân viên liên bang, doanh nghiệp lớn và nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Trong bài phát biểu quan trọng nhằm đối phó với giai đoạn mới nhất của đại dịch COVID-19, Tổng thống J.Biden khẳng định các biện pháp mới là sự cần thiết để thúc đẩy một bộ phận nhỏ dân số của Mỹ đi tiêm chủng, ngay cả khi thừa nhận rằng đây không phải là một giải pháp khắc phục nhanh chóng.

Dù nước Mỹ đang ở trong tình trạng tốt hơn nhiều so với cách đây 7 tháng khi ông J.Bidenlên nắm quyền, song có một thực tế là Mỹ đang ở trong một giai đoạn khó khăn và nó có thể kéo dài trong một thời gian. Tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ ngày càng đáng thất vọng với 80 triệu người chưa tiêm chủng. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh, ông đã kiên nhẫn, tuy nhiên sự kiên nhẫn đó ngày càng ít đi, trong khi Mỹ lại có trong tay các công cụ để chống lại virus nếu mọi người cùng nhau sử dụng những công cụ đó.

Tính đến sáng 10/9, Nam Mỹ có 37.187.518 ca nhiễm COVID-19, với 1.138.347 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 20.958.899 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Hiện, châu Á đang là “điểm nóng dịch bệnh trên thế giới”, với 72.192.087 ca nhiễm COVID-19. Trong nhiều ngày qua, khu vực này luôn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 tính theo ngày. Trong 24 giờ qua, châu Á có thêm 208.381 ca nhiễm COVID-19, trong đó, Iran chiếm tỷ lệ cao nhất với 26.821 ca.

Trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình dịch bệnh và thu hẹp khoảng cách tiêm chủng giữa các nước trên thế giới, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS- gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong năm nay, nước này sẽ viện trợ thêm 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các nước đang phát triển.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, đến nay, nước này đã cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine (cả ở dạng liều đóng gói hoàn thiện hoặc theo khối lượng lớn) cho hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đã cam kết sẽ ủng hộ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX 100 triệu USD và cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho thế giới trong năm 2021.

Tính đến sáng 10/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.067.491 trường hợp, trong đó có 201.974 ca tử vong và 7.254.282 ca bình phục.

Sáng 10/9, châu Đại Dương có thêm 2.366 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tới thời điểm hiện tại lên 179.658 trường hợp, với 2.366 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 179.658 ca, tiếp theo sau là Fiji với 48.572 ca./.