Các dân tộc tỉnh Hòa Bình chủ yếu vẫn giữ tín ngưỡng dân gian. (Trong ảnh: Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn, thủ nhang đền Mẫu Linh Sơn Ngọc, thuộc Khu Vôi, Thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy).Cụ thể, tại Tờ trình số 450 /TTr-SDT&TG ngày 04/4/2025, Sở Dân tộc và Tôn giáo đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định công bố bổ sung 04 danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của Sở; bao gồm: Thủ tục đề nghị tự giải thể tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động ở một tỉnh theo quy định của hiến chương; thủ tục thông báo về người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc của tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có địa bàn hoạt động ở một tỉnh; thủ tục đăng ký thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người đang bị buộc tội hoặc người chưa được xóa án tích; thủ tục đề nghị mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo cho tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo ở một tỉnh.
Theo dự thảo quyết định, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính nêu trên nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh hoặc Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Sở Dân tộc và Tôn giáo; qua dịch vụ bưu chính công ích; qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Sở Dân tộc và Tôn giáo tiếp nhận hồ sơ đề nghị; phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ (nếu cần thiết), trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 03 tôn giáo là Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Các tôn giáo có mặt trên địa bàn 10/10 huyện, thành phố, 99/151 xã, phường, thị trấn. Nhìn chung, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, tuân thủ các quy định của pháp luật, không có các điểm nóng về tôn giáo, không có các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo nhằm mục đích chống phá chính quyền, kích động tập trung đông người gây mất an ninh trật tự, không có hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo.
Về tín ngưỡng, trên địa bàn tỉnh có tổng số 360 cơ sở tín ngưỡng; tín ngưỡng ở Hòa Bình chiếm 94% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc tỉnh Hòa Bình chủ yếu vẫn giữ tín ngưỡng dân gian như: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng sùng bái con người, tín ngưỡng sùng bái thần linh.
Từ việc làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, nhìn chung chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, chấp hành tốt các quy định tại địa phương. Đồng thời tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Bên cạnh đó, cùng với các cấp chính quyền, các tổ chức tôn giáo, giáo dân tích cực tham gia đấu tranh, bài trừ những đối tượng có hành vi lợi dụng tôn giáo, truyền đạo trái phép; phối hợp cơ quan chức năng đấu tranh, tố giác tội phạm ngay từ cơ sở; tham gia đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, làm cho hoạt động tôn giáo ngày càng ổn định, hoạt động đúng pháp luật; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước; không để xảy ra những vấn đề phức tạp về tôn giáo trên địa bàn tỉnh.