Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sóc Trăng: Để những mùa Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer luôn ấm áp, đủ đầy

Như Tâm - 11:40, 03/10/2024

Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất cả nước. Trong nhiều năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả, đang góp phần làm cho diện mạo vùng DTTS của tỉnh Sóc Trăng đang đổi thay từng ngày. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phum sóc được đầu tư khang trang sạch đẹp; nhu cầu thụ hưởng về văn hóa, giáo dục, y tế,... của đồng bào được đáp ứng đầy đủ. Theo đó mà mỗi năm, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng được đón những mùa Lễ Sen Dolta ấm áp, đủ đầy.

Thêm những mùa lễ Sen Dolta ấm áp
Ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (bìa phải) và ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bìa trái) trao tặng quà chùa Pôthi Thum Phđau Pên. (Ảnh: Thách Pích)

Niềm vui nhân đôi trong mùa lễ truyền thống

Trước thềm Lễ Sen Dolta năm 2024 - lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer, chúng tôi có dịp về lại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú. Đây là địa phương có gần 93% dân số (trong tổng số 3.327 hộ/12.502 khẩu) là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Xe ô tô từ tỉnh lỵ Sóc Trăng có thể bon bon chạy về trung tâm xã, các tuyến đường được thảm nhựa, bê tông thẳng tắp. Dọc hai bên đường, nhiều căn nhà kiên cố mọc lên, người và xe cộ đi lại tấp nập…

Sóc Trăng có 46 xã khu vực I, 17 xã khu vực III và 775 ấp, khóm (có 44 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, 83 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III, 01 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã có ấp vùng DTTS).  Dân số 1.198.798 người, có 27 DTTS với 424.914 người, chiếm 35,45% dân số; trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,19% với 361.929 người.

Đón Lễ Sen Dolta năm nay, niềm vui của đồng bào Khmer ở Phú Mỹ được nhân đôi khi xã đã “về đích” nông thôn mới (NTM) ngay từ đầu năm 2024. Trước đây, Phú Mỹ là xã đặc biệt khó khăn. Với nguồn lực từ các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dành cho đồng bào DTTS, Phú Mỹ đã có sự bứt phá ngoạn mục.

Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân của xã Phú Mỹ đạt gần 60 triệu đồng/năm, so với cách đây 15 năm thì tăng gần 4 lần. Đặc biệt hộ nghèo từ hơn 20% hiện chỉ còn 0,15%.

Ông Bành Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết: Bằng việc huy động nhiều nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025, xã Phú Mỹ đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

“Phát huy hạ tầng nông thôn mới, đồng bào Khmer trong xã đã mạnh dạn thực hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiểu biểu như: mô hình trồng lúa chất lượng cao (ST25), vùng chuyên canh rau màu, nuôi bò thịt, bò sữa...”, ông Quang phấn khởi nói.

Diện mạo phum sóc xã Phú Mỹ được đầu tư khang trang.
Diện mạo phum sóc xã Phú Mỹ được đầu tư khang trang

Không riêng Phú Mỹ, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vùng DTTS tại hầu hết các phum sóc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đều có sự “thay da đổi thịt” rõ rệt. Từ nguồn lực các chương trình MTQG, hiện 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% hộ gia đình vùng DTTS được sử dụng lưới điện quốc gia; 99,65% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm 2%/năm, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3%/năm.

Hiện tỉnh Sóc Trăng đã có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó có 34 xã là vùng DTTS; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

“Cú hích” từ Chương trình MTQG 1719

Tài Văn cũng là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm trên 79% dân số của xã) của huyện Trần Đề. Những năm qua, tỉnh và huyện đã luôn dành sự quan tâm, sâu sát triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, tạo điều kiện để chính quyền, đồng bào DTTS ở Tài Văn  phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác giảm nghèo ở vùng DTTS tỉnh Sóc Trăng có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%/năm. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 14.826 căn nhà dành cho hộ nghèo; trong đó, có 6.184 căn nhà dành hộ nghèo người DTTS.

Đặc biệt, từ năm 2022, xã Tài Văn còn được bố trí vốn để triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) với mục tiêu giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết; nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer ở Tài Văn.

Minh chứng như ở ấp Hà Bô. Trước đây, ấp Hà Bô còn nhiều con đường đất cặp sát bờ kênh. Năm 2022, với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng từ Chương trình MTQG 1719, tuyến đường bê tông khu 4 của ấp Hà Bô, dài 840m, rộng 3m đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường không chỉ phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân, mà còn góp phần kết nối giao thông giữa các ấp lân cận.

Ngoài tuyến đường tại ấp Hà Bô, còn có tuyến đường khu 8, thuộc ấp Tài Công, có chiều dài 440m, rộng 3m, với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng. Tuyến đường này kết nối giáp với đê bao phường 4, thành phố Sóc Trăng, vừa tạo thuận lợi cho người dân đi lại giao thương hàng hóa, vừa tạo diện mạo mới cho vùng quê nông thôn.

Theo bà Ngô Thị Ánh Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Tài Văn, bên cạnh 2 tuyến đường giao thông trên, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, xã đã duy tu bảo dưỡng nhiều công trình hạ tầng khác; hỗ trợ thùng nhựa chứa nước cho 61 hộ dân; giải quyết đất ở, nhà ở cho 93 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 50 hộ...

Xã Tài Văn, huyện Trần Đề đã vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ nhà cho hộ Khmer khó khăn về nhà ở.
Xã Tài Văn, huyện Trần Đề đã vận động huy động được nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ nhà cho hộ Khmer khó khăn về nhà ở

“Thực hiện Chương trình MTQG 1719, xã đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, chuyển đổi ngành nghề cho 40 hộ dân. Hiện xã đã hoàn chỉnh các bước chọn đối tượng thụ hưởng, trình UBND huyện phê duyệt để triển khai thực hiện”, bà Mai cho biết.

Theo ông Nguyễn Trọng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, đồng bào Khmer trên địa bàn huyện chiếm khoảng gần 50%. Nhờ các chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước, cùng ý thức vượt khó vươn lên, đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện.

“Sự đổi thay từ đời sống vật chất đến tinh thần giúp bà con thêm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; hăng hái thi đua lao động sản xuất. Nhờ vậy mà mỗi dịp lễ, Tết, từng phum sóc lại khoác lên mình một diện mạo mới. Đặc biệt năm nay, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, chung tay của các tổ chức, mạnh thường quân..., nhiều hộ đồng bào Khmer ở Trần Đề được đón Sen Dolta xum vầy, ấm áp trong nhà mới ”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Sơn phấn khởi chia sẻ.

Thêm những mùa lễ Sen Dolta ấm áp 3
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Trần Đề trao nhà cho hộ khó khăn về nhà ở

Đánh giá về hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ ở vùng DTTS của tỉnh, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Từ chủ trương, định hướng xuyên suốt và giải pháp cụ thể của tỉnh, nguồn lực từ các chương trình, dự án, nhất là từ các chương trình MTQG đã được lồng ghép, triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS. Đây là nền tảng để tỉnh quyết tâm phát triển toàn diện địa bàn khó khăn, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, vun đắp thêm khối đại đoàn kết để tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh khá trong khu vực.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả các chương trình MTQG; quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, tạo sự giao lưu văn hoá, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Kết hợp hài hoà giữa nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, xã hội với giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.