Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

SÓC TRĂNG: Phum sóc rộn ràng ngày Lễ Kathina

PV - 13:46, 05/11/2018

Lễ Kathina (gọi là lễ dâng y cà sa hay dâng bông) được đồng bào Khmer tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ, nhằm cầu cho phum sóc yên ấm, gia đình bình an, cầu cho mưa thuận gió hòa và thành kính dâng lên áo cà sa, các vật dụng dành cho chư tăng.

Lễ Kathina Trước khi làm lễ dâng y cà sa lên sư sãi, đồng bào Khmer tổ chức đám rước đi xung quanh chánh điện như minh chứng cho lòng thành kính của mình đối với bổn sóc.

Những ngày này, cộng đồng người Khmer Sóc Trăng đang tổ chức Lễ Kathina. Theo hòa thượng Tăng Nô, Phó Trưởng ban Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Khléang (Sóc Trăng), năm nay bắt đầu từ ngày 15/9 đến ngày 14/10 âm lịch (trước Lễ hội Oc-Oom booc), các chùa sẽ ấn định một ngày cụ thể rồi thông báo cho phật tử ngày làm Lễ Kathina. Ngày đầu tiên tại chùa, các sư sãi đọc kinh cầu nguyện để phum sóc an lành, cầu phúc cho mọi người gặp nhiều may mắn. Ngày thứ 2, đồng bào phật tử trong phum sóc tổ chức một đám rước quanh phum sóc và xung quanh chánh điện như minh chứng cho lòng thành của họ trước khi làm lễ dâng y cà sa lên sư sãi.

“Nghi thức Lễ Kathina được tiến hành theo nghi thức phật giáo, trước tiên chọn những cô gái bưng những cây bông rực rỡ, lung linh sắc màu được trang trí bằng những sợi tua rua đong đưa theo bước chân người, lấp lánh bởi những chiếc gương tròn nhỏ, xinh xinh, cùng những đồng tiền giấy được xếp gọn và cột lại rất xinh xắn, đồng bào phật tử rước quanh phum sóc và xung quanh chánh điện mới làm lễ dâng y cà sa lên sư sãi”, hòa thượng Tăng Nô cho biết.

lễ Kathina Những chú khỉ Hanuman nhảy múa sinh động, cùng dàn nhạc ngũ âm góp phần tạo thêm không gian sôi động cho ngày Lễ Kathina.

Trong vài năm gần đây, Lễ Kathina của đồng bào Khmer Sóc Trăng càng được tổ chức chu đáo và lớn hơn trước do đời sống kinh tế của bà con ngày khấm khá. Theo ông Thạch Chương, A cha chùa Chrôi Tưm Chắc (TP. Sóc Trăng) cho biết, trung bình hàng năm, mỗi chùa có từ 3-5 đám dâng y cà sa. Thậm chí còn có nhiều đám của phật tử ở các phum sóc và tỉnh thành lân lận. Vì là lễ dâng y lên sư sãi của bổn chùa nên việc tiến hành tốn rất nhiều công sức và chi phí, mọi thứ phải chuẩn bị kỹ càng từ rất lâu. Thế nhưng, việc Lễ Kathina của gia đình, dòng họ vẫn luôn được phật tử tổ chức chu đáo.

Lễ Kathina Người dân rộn ràng trong ngày Lễ Kathina (lễ dâng y cà sa).

Năm nay, chúng tôi được tham gia dự Lễ Kathina tại chùa Chrôi Tưm Chắc (TP. Sóc Trăng) với 8 gia đình tổ chức cùng lúc. Một đoàn người với đủ mọi lứa tuổi già trẻ, gái trai, ăn mặc thật đẹp đang tiến hành dâng lễ tại Chrôi Tưm Chắc. Mỗi đoàn đều có chú khỉ Hanuman nhảy múa, có dàn nhạc ngũ âm rộn ràng và hàng trăm cây bông (hoa), cây cảnh được trang trí bằng những sợi dây bằng nhựa lấp lánh theo bước chân của cư dân phum sóc. Những thiếu nữ được chọn sẽ xếp thành hai hàng rước bưng hai hàng bông lấp lánh đi cùng đoàn trước khi về chùa để dâng lên sư sãi…

Ông Lâm Khên ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) người tổ chức Lễ Kathina cho biết, muốn tổ chức đám rước Kathina, gia đình đã lên kế hoạch và đề nghị với nhà chùa từ nhiều năm trước, nhưng phải đến nay mới có vinh hạnh cùng những hộ khác tiến hành lễ.

Lễ Kathina là nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng người Khmer, là dịp cộng đồng tổ chức quyên góp để đắp đường, tu sửa trường học, nhà tăng, nhà hội... Mọi việc làm, hành động đều thể hiện một ý thức cộng đồng rất cao.

PHƯƠNG NGHI