Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sơn Dương (Tuyên Quang): Hiệu quả từ phát triển các câu lạc bộ văn hoá truyền thống

Hà Phúc - 10:33, 28/12/2024

Bảo tồn văn hóa các DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết nhu cầu thiết yếu về hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho người dân. Đặc biệt, việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, đang góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, đang tạo việc làm, thu nhập cho người dân, những năm qua, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã triển khai đồng bộ giải pháp thiết thực và hiệu quả, trong đó có việc xây dựng, duy trì và phát triển hoạt động văn hóa qua các câu lạc bộ (CLB) văn hoá truyền thống.

Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương luôn chú trọng tổ chức thực hiện những nghi lễ, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào trong các hoạt động lễ hội
Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương luôn chú trọng tổ chức thực hiện những nghi lễ, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào trong các hoạt động lễ hội

Vài năm trở lại đây, tại Sơn  Dương, từ thực tế cho thấy, lớp trẻ chủ yếu đi học trên lớp, ở nhà, đi làm đều nói tiếng phổ thông nên một bộ phận thanh niên dân tộc Sán Dìu không biết hát Soọng cô, nguy cơ mất dần tiếng mẹ đẻ càng lớn dần. 

Trước thực tế này, những năm gần đây, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã triển khai đồng bộ giải pháp thiết thực và hiệu quả, trong đó có việc xây dựng, duy trì và phát triển hoạt động văn hóa qua các câu lạc bộ (CLB) văn hoá truyền thống.

Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Sơn Dương là đơn vị tham mưu, tổ chức thực hiện đã triển khai tích cực tuyên truyền vận động thành lập các CLB văn hoá. Theo đó, có nhiều lớp học, câu lạc bộ ra đời. Tiêu biểu là CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai. Tới nay, số hội viên đã lên tới con số 120 người. Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian hoạt động tâm huyết, tích cực, hiệu quả.

Theo Nghệ nhân dân gian Lục Thị Tư, CLB Soọng cô xã Ninh Lai, muốn hát Soọng cô thì bắt buộc phải biết tiếng dân tộc Sán Dìu. Do vậy, nghệ nhân Lục Thị Tư đã bàn rất kỹ với Ban chủ nhiệm CLB Soọng cô xã Ninh Lai quyết tâm rà soát, tuyển chọn các cháu trong độ tuổi mở lớp dạy tiếng Sán Dìu.

Với vai trò là một cô giáo, cô Lục Thị Tư có nhiều kỹ năng sư phạm. Cô đã biên soạn lại giáo trình học sao cho ngắn gọn, cụ thể, dễ học, dễ nhớ. Các lớp học được mở ra với hàng chục học viên, qua một thời gian kiên trì đào tạo đều nói thông thạo tiếng Sán Dìu. Xong giai đoạn học tiếng, các nghệ nhân của CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai mới tiếp tục truyền dạy những làn điệu cơ bản, rồi đi vào luyện nâng cao với nhiều bài khó.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông được triển khai rộng khắp về các thôn, bản trên toàn huyện, bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: lồng ghép các hội nghị, các buổi họp thôn, bản; sinh hoạt chi bộ; tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ từ cấp cơ sở cho đến cấp huyện nhằm tạo không gian giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng người DTTS...

Đến nay, toàn huyện Sơn Dương có 47 CLB văn hóa, văn nghệ, trong năm 2023-2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã hỗ trợ xây dựng 06 CLB văn hóa dân gian tại các xã (Tân Trào, Trung Yên, Tân Thanh, Đông Thọ, Ninh Lai, Đại Phú) theo Dự án 6 “Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Hà Thị Thuý Dịu, Phó Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Sơn Dương cho biết, các CLB không những làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ, bảo tồn văn hoá ở cơ sở, mà còn mang bản sắc người Sán Dìu Tuyên Quang đi giao lưu cả nước, nhất là các tỉnh có đồng bào người Sán Dìu như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh.

Việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, không chỉ tạo sân chơi lành mạnh cho lớp trẻ, mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào (Trong ảnh: Câu lạc bộ hát Soọng cô, xã Ninh Lai biểu diễn tiết mục Hát ru em
Việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ không chỉ tạo sân chơi lành mạnh cho lớp trẻ, mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào (Trong ảnh: Câu lạc bộ hát Soọng cô, xã Ninh Lai biểu diễn tiết mục Hát ru em)

Việc thành lập các CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã thu hút được một lực lượng đông đảo giới trẻ tham gia. Các CLB đã trở thành mái nhà chung để các con, cháu phát huy tinh thần sinh hoạt cộng đồng. 

Ở đây các em được các bà, các mẹ truyền dạy văn nghệ dân gian, tiếng nói, may thêu trang phục truyền thống. Từ đó, đã khơi dậy được ý thức gìn giữ bảo tồn văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ. Đồng thời, cũng tăng cường mối đoàn kết dân tộc.

Thông qua việc này sẽ góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS. 

Các CLB này động viên, khích lệ đồng bào DTTS tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa; phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống.