Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sơn La: Dấu ấn giảm nghèo ở đồng bào dân tộc La Ha nhìn từ điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS

Tùng Nguyên - 08:26, 13/12/2024

So với số liệu cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ II năm 2019, hiện tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc La Ha ở tỉnh Sơn La đã giảm 26%, dù chuẩn nghèo đã được nâng lên so với thời điểm 05 năm trước. Đây là thành tựu ấn tượng, cho thấy hiệu quả của các chính sách đầu tư, hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc La Ha tại Bản Hiên, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.
Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc La Ha tại Bản Hiên, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Giảm nghèo ấn tượng

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc La Ha trên địa bàn tỉnh cư trú nhiều nhất ở huyện Mường La, với 4.682 nhân khẩu; huyện Thuận Châu có 3.076 nhân khẩu, huyện Quỳnh Nhai có 1.929 nhân khẩu. Ngoài ra, ở huyện Mộc Châu có 254 nhân khẩu người La Ha, tập trung ở xã Tân Lập.

Từ các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai trong những năm qua đã hỗ trợ đồng bào La Ha nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) đang giúp bà con có sinh kế bền vững.

Cuối năm 2023, gia đình anh Lò Văn Phong, ở bản Huổi Lọng, xã Nọng Lay (huyện Thuận Châu) được hỗ trợ 1 con bò giống từ nguồn vốn thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719. Đã có kinh nghiệm chăn nuôi bò từ trước đó, gia đình anh đã trồng thêm cỏ voi tạo nguồn thức ăn dự trữ cho bò. Với quyết tâm thoát nghèo, anh Phong còn vay mượn, mua thêm một cặp con bò cái sinh sản.

Giai đoạn 2021 – 2025, dân tộc La Ha là một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg; được đầu tư trực tiếp từ Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719.

Cùng với gia đình anh Phong, trong năm 2023, 126 hộ đồng bào dân tộc La Ha ở bản Huổi Lọng đã được hỗ trợ bò giống sinh sản từ vốn Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9. Như chia sẻ của anh Lò Văn Phong, từ một con bò, anh kỳ vọng sẽ phát triển thành một đàn bò, từ đó có nguồn thu ổn định cho gia đình trong thời gian tới.

Bản Huổi Lọng là một trong 36 bản thuộc 17 xã của 03 huyện có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống tập trung. Đây là những địa bàn được đầu tư trực tiếp từ Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719 theo Nghị quyết số 235/NQ-HĐND ngày 04/10/2023 của HĐND tỉnh Sơn La.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả cùng với công tác an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc La Ha trên địa bàn tỉnh Sơn La đã giảm sâu theo từng năm.

Tại thời điểm năm 2019, kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ II cho thấy, toàn tỉnh Sơn La có 1.100 hộ dân tộc La Ha thuộc diện hộ nghèo, chiếm 48,8% tổng số hộ; 318 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 14,1%. Đây là số liệu tỷ lệ nghèo được đo lường theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của giai đoạn 2016 – 2020.

Đồng bào dân tộc La Ha ở bản Huổi Lọng, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được hỗ trợ làm ao để phục vụ sản xuất và phát triển chăn nuôi.
Đồng bào dân tộc La Ha ở bản Huổi Lọng, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được hỗ trợ làm ao để phục vụ sản xuất và phát triển chăn nuôi.

Khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị định số 07/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc La Ha tiếp tục giảm sâu. Hết năm 2022, theo kết quả rà soát hộ nghèo được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 12/01/2023, dân tộc La Ha còn 674 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 28,25%) và 327 hộ cận nghèo (chiếm 13,70%).

Công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc La Ha tiếp tục đạt được thành tựu ấn tượng từ năm 2023 đến nay - thời điểm Sơn la tập trung triển khai đồng bộ các chính sách thuộc Chương trình MTQG 1719.

Theo số liệu trong hồ sơ xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù, các dân tộc còn nhiều khó khăn giai đoạn 2026 – 2030 của Ủy ban Dân tộc, so với thời điểm năm 2019 thì tính đến thời điểm 30/6/2024, dân tộc La Ha giảm 26% số hộ nghèo, dù chuẩn nghèo đã được nâng lên so với thời điểm 05 năm trước.

Chất lượng dân số được cải thiện

Cùng với đầu tư cho công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc La Ha thì từ các chương trình, dự án, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ bà con cải thiện chất lượng cuộc sống. Số liệu trong 02 cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS gần đây nhất cho thấy, nhiều tập quán sinh hoạt, sản xuất ảnh hưởng tới sức khỏe trong đồng bào dân tộc La Ha từng bước thay đổi tích cực.

Kinh tế phát triển, thu nhập nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, các nhu cầu thụ hưởng văn hóa được cơ bản đáp ứng đã góp phần nâng cao chất lượng dân số trong đồng bào dân tộc La Ha.
Kinh tế phát triển, thu nhập nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, các nhu cầu thụ hưởng văn hóa được cơ bản đáp ứng đã góp phần nâng cao chất lượng dân số trong đồng bào dân tộc La Ha.

Tại cuộc điều tra lần thứ II năm 2019, từ thông tin thu thập được, tỷ lệ hộ dân tộc La Ha có nuôi, nhốt gia súc dưới gầm nhà của tỉnh Sơn La là 31,10%. Trước đó, năm 2015, số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội lần thứ I đưa ra kết quả, có 55,5% dân tộc La Ha có nuôi, nhốt gia súc dưới gầm nhà.

Thực trạng nuôi, nhốt gia súc dưới gầm nhà trong đồng bào La Ha đã được Cục Thống kê tỉnh Sơn La thu thập trong cuộc điều tra lần thứ III năm 2024 được triển khai từ ngày 01/7 đến 17/8 vừa qua.

Dù kết quả chưa công bố, nhưng dự kiến tỷ lệ hộ dân tộc La Ha nuôi, nhốt gia súc dưới gầm nhà tiếp tục giảm mạnh. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Sơn La đã tích cực hỗ trợ đồng bào thay đổi tập quán chăn nuôi này để bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe.

Tính đến tháng 6/2024, có 04/14 dân tộc có khó khăn đặc thù có tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm 2019 gồm: La Ha, Pà Thẻn, Chứt, Rơ Măm; trong đó có 02 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 10% như La Ha giảm 26%, Chứt giảm 16%; còn lại dân tộc Pà Thẻn và Rơ Măm tỷ lệ hộ nghèo giảm lần lượt là 4% và 5%.

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thuận Châu, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, từ năm 2019 đến nay, huyện Thuận Châu đã hỗ trợ 100% hộ dân tộc La Ha di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở và xây dựng chuồng trại mới với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.

Cùng với giảm tỷ lệ hộ có nuôi, nhốt gia súc dưới gầm nhà giảm thì tỷ lệ hộ dân tộc La Ha được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh tăng lên. Năm 2015, kết quả điều tra, chỉ có 37,6% hộ dân tộc La Ha sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.

Hiện số hộ đồng bào dân tộc La Ha sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh chắc chắn đã tăng lên, với việc được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt thuộc Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719. 

Tình hình tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh trong đồng bào dân tộc La Ha dự kiến sẽ được làm rõ khi kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III được công bố, dự kiến vào tháng 7/2025.

Với việc chuồng trại gia súc được di dời khỏi gầm nhà, được tiếp cận nước sinh hoạt hợp vệ sinh đã trực tiếp tăng cường sức khỏe cho đồng bào dân tộc La Ha. Cùng với đó, kinh tế phát triển, thu nhập nâng lên, các nhu cầu thụ hưởng văn hóa được cơ bản đáp ứng đã góp phần nâng cao chất lượng dân số trong đồng bào dân tộc La Ha.

Số liệu trong hồ sơ xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù, các dân tộc còn nhiều khó khăn giai đoạn 2026 – 2030 của Ủy ban Dân tộc cho thấy, so với thời điểm năm 2019 thì tính đến thời điểm 30/6/2024, dân tộc La Ha giảm 26% số hộ nghèo, dù chuẩn nghèo đã được nâng lên so với thời điểm 05 năm trước. (Ảnh minh họa)
Số liệu trong hồ sơ xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù, các dân tộc còn nhiều khó khăn giai đoạn 2026 – 2030 của Ủy ban Dân tộc cho thấy, so với thời điểm năm 2019 thì tính đến thời điểm 30/6/2024, dân tộc La Ha giảm 26% số hộ nghèo, dù chuẩn nghèo đã được nâng lên so với thời điểm 05 năm trước. (Ảnh minh họa)

Có thể thấy rõ nhất là hiện dân tộc La Ha đang có xu hướng gia tăng dân số rõ nét. Tại thời điểm năm 2019, theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS thì, dân tộc La Ha trên địa bàn tỉnh Sơn La có 2.254 hộ, với 10.015 nhân khẩu.

Đến năm 2022, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 được UBND tỉnh phê duyệt tại theo Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 thì toàn tỉnh có 2.386 hộ/10.756 khẩu người dân tộc La Ha. Vị chi, trong 3 năm, dân số dân tộc La Ha đã tăng thêm 741 người.

Theo Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 04/3/2024 của UBND tỉnh Sơn La về thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh bố trí 125,474 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 9 về “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”. Đồng bào dân tộc La Ha sinh sống tập trung tại 36 bản thuộc 17 xã của 03 huyện được trực tiếp đầu tư, hỗ trợ từ Tiểu dự án 1.

Đọc nhiều