Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Sơn La: Hiệu ứng tích cực từ mô hình "Trường học gắn với di sản văn hoá"

Mai Hương - 15:41, 01/04/2021

Ðể chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã tích cực thực hiện mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa”. Đến nay, hoạt động này đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống giáo dục của tỉnh, tạo sức sống bền vững cho di sản trong cộng đồng.


Học sinh trường PTDTNT tỉnh Sơn La trong giờ ngoại khoá
Học sinh trường PTDTNT tỉnh Sơn La trong giờ ngoại khoá

 Khơi dậy niềm tự hào bản sắc dân tộc

Có dịp đến thăm trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Sơn La, khi tiết học ngoại khóa tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc  đang thu hút đông đảo học sinh tham dự, chúng tôi thấy được ý nghĩa của mô hình "Trường học gắn với di sản văn hoá".

Theo chia sẻ của em Cà Thị Cương, học sinh lớp 12C, là người dân tộc Thái,  trước kia em không biết nhiều về ý nghĩa của phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống và các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Nhờ sự truyền đạt của các nghệ nhân, qua các hoạt động ngoại khóa của trường tuyên truyền về giá trị văn hóa của các dân tộc, em đã hiểu rõ hơn và được trực tiếp trải nghiệm các điệu múa, lời hát, chơi những trò chơi dân gian của các dân tộc. "Em tự hào với bản sắc văn hóa dân tộc Thái của mình, và cả những dân tộc khác nữa. Em rất vui vì những nét đẹp văn hóa của chúng em đang được lưu giữ, lan tỏa rộng rãi trong trường học”.

Thầy Nguyễn Danh Tân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với đặc thù là trường có 99,3% học sinh là người dân tộc thiểu số (10 thành phần dân tộc), nên nhà trường rất chú trọng giáo dục cho học sinh về ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nhà trường quy định 100% học sinh thực hiện quy định mặc trang phục dân tộc vào thứ Hai hàng tuần, và các ngày lễ và sự kiện lớn trong năm. Giáo viên tích hợp nội dung tìm hiểu di sản văn hóa trong các tiết học trên lớp chính khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt tập thể, lễ hội…

 Đồng thời, tổ chức các trò chơi dân gian của các dân tộc như, đẩy gậy, hát đối, nhảy bao bố, kéo co, ném còn, múa xòe, nhảy sạp, thổi sáo … trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, giờ ra chơi…

"Nhà trường thường xuyên mời nghệ nhân của các dân tộc đến giao lưu, truyền thụ văn hóa, hướng dẫn học sinh hát, múa, chơi các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc", thầy Tân chia sẻ. 

Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy

Những năm qua, song song với việc chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo học sinh trong toàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều biện pháp để đưa văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La vào các hoạt động giảng dạy trong trường học. 

Các em học sinh trường PTDTNT tỉnh Sơn La mặc trang phục dân tộc khi đến lớp
Các em học sinh trường PTDTNT tỉnh Sơn La mặc trang phục dân tộc khi đến lớp

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT ở tỉnh Sơn La đều đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh Sơn La, thành lập Hội đồng biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương, lồng ghép, tích hợp vào một số tiết dạy trong các môn học (Âm nhạc, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…); Chỉ đạo các nhà trường xây dựng phòng truyền thống của nhà trường gắn liền với lịch sử và dư địa chí của địa phương.

Hàng năm, các trường học căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, để tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống dân tộc trong nhà trường như, Lễ hội cầu mưa (của dân tộc Thái); Lễ hội cầu an; Lễ hội làm bánh dày (của dân tộc Mông); Lễ hội cấp sắc (của dân tộc Dao)... 

Bên cạnh đó, các trường học cũng khuyến khích học sinh tự làm các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của dân tộc mình thông qua các hội thi: thêu khăn piêu; làm sáo của người Mông; gói bánh chưng, cách bày mâm ngũ quả trong ngày Tết…

Có thể thấy mô hình "Trường học gắn với di sản văn hoá" đang tạo được những hiệu ứng tích cực tại tỉnh Sơn La. Các hoạt động này, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ học sinh, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng. Học sinh không những được tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình mà còn biết được văn hóa, tập quán các dân tộc khác, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong học tập.


Tin cùng chuyên mục
Định Hóa (Thái Nguyên): Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

Định Hóa (Thái Nguyên): Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 70%, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.