Sau một thời gian triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến nay, 27 huyện, thị xã, thành phố đã nhận được kinh phí hỗ trợ mua máy tính bảng đợt 1, năm học 2021-2022. Số máy tính đã được phân bổ đợt 1 là 2.531 chiếc, trị giá 6,327 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Giáo dục &Đào tạo (GD&ĐT) hỗ trợ trực tiếp 3.994 máy tính bảng trị giá gần 10 tỷ đồng cho học sinh nghèo của Thanh Hóa.
Tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, chương trình đã hỗ trợ kinh phí mua 170 chiếc máy tính. Với số máy này, trước mắt Phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân ưu tiên cho các em đang ôn thi để tham dự kỳ thi học sinh giỏi các cấp mà không có máy.
Đơn cử như tại Trường Tiểu học thị trấn Thường Xuân, sau khi được phân bổ 5 máy tính bảng, nhà trường đang chuyển cho Trường THCS thị trấn Thường Xuân mượn để học sinh giỏi trong đội tuyển ôn thi. Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Thường Xuân cho biết: Thời điểm dịch Covid-19, nếu tổ chức học online, chỉ có 40% gia đình học sinh đáp ứng được. Tuy nhiên, lúc được cấp máy, cơ bản dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
“Sau khi trường THCS gửi lại máy, chúng tôi sẽ ưu tiên cho hai đối tượng, một là học sinh nghèo học giỏi, hai là học sinh tiếp thu kiến thức còn chậm để giáo viên dạy kèm ngoài giờ. Theo đúng tinh thần là giao hẳn cho học sinh, nhưng cùng một đối tượng không phải 5 em mà có thể 10, 20 em có hoàn cảnh như nhau, vì vậy buộc phải luân phiên cho mượn, có thể hết học kỳ 1, nếu tiến bộ rồi thì chuyển cho em khác”, cô Hà nói.
Tại huyện Ngọc Lặc, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã hỗ trợ mua 169 chiếc máy tính bảng, phân bổ cho các cấp học. Các nhà trường sau khi nhận kinh phí đã mua và giao trực tiếp máy tính bảng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Một trong số những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận máy tính là em Phạm Gia Tuệ, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Vân Am 1. Từ ngày có máy tính bảng, em rất tự hào và hào hứng với việc học tập, ngày nào cũng dùng máy để gửi bài tập cho cô giáo kiểm tra qua mạng xã hội
Cô giáo Trần Thị Anh, chủ nhiệm lớp 3A, cho biết: “Nhà trường được phân bổ 10 máy, trong đó lớp tôi có hai em học sinh nghèo được nhận hỗ trợ. Phụ huynh cũng như học sinh rất phấn khởi, hăng hái hơn với học tập”.
Bên cạnh những niềm vui, cũng còn những băn khoăn, trăn trở của thầy cô giáo về việc sử dụng máy tính đối với các học sinh sao cho hiệu quả.
Thầy Đào Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Am 1 (Ngọc Lặc) chia sẻ: “Máy chỉ được miễn phí truy cập 3 tháng và sang tháng thứ 4 phải mua gói cước với giá 50.000 đồng/tháng. Như vậy thì rất khó khăn cho học sinh nghèo. Nhà trường cũng đã tính phương án hỗ trợ 100% gói cước cho các em nhưng trong điều kiện số máy được phân bổ còn ít; tăng số lượng máy thì nhà trường sẽ rất khó hỗ trợ”.
Thầy giáo Lê Duy Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thường Xuân lại lo ngại vấn đề khác. “Việc được trang bị máy tính bảng và sim là điều kiện thuận lợi để học sinh thực hiện tốt hơn nhiệm vụ học tập, nhưng có thể sẽ có mặt trái nếu như các em quá ham vào những trò chơi điện tử hoặc truy cập vào những trang web xấu, lừa đảo trên mạng xã hôi".
Một số địa phương cũng mong muốn, trong những lần hỗ trợ tiếp theo, cần tăng số lượng máy cho khu vực miền núi vì còn rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin. Ngoài ra, nên cấp máy trực tiếp cho các phòng GD&ĐT phân bổ về các đơn vị. Nếu cấp bằng tiền sẽ gây khó khăn cho các nhà trường...
Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, thay vì cấp tiền như ở đợt 1, trong những đợt tiếp theo nên trực tiếp cấp máy về cho các đơn vị.
"Tiếp cận máy tính và không gian mạng đối với học sinh là một trải nghiệm mới, mở ra chân trời mới, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhà trường, gia đình cần chủ động để có các biện pháp định hướng, giải pháp phòng ngừa để ngăn chặn những tình huống xấu từ internet có thể xảy ra với các em”, ông Bình nhấn mạnh.