Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Sốt” đất vườn ở Khánh Vĩnh

PV - 11:42, 02/03/2018

Từ khi đề án cây trồng chủ lực huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đưa vào triển khai phát huy hiệu quả, trên địa bàn các xã bắt đầu có dấu hiệu “sốt” đất trồng cây đặc sản. Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu vui, cần cẩn trọng với những hệ lụy.

Giá đất tăng cao

Đề án phát triển cây trồng chủ lực huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 gồm 4 loại cây: bưởi da xanh, mít nghệ, xoài và sầu riêng. Hiện nay, diện tích bưởi đã phát triển hơn 500ha, sầu riêng hơn 120ha.

Huyện đang xây dựng áp dụng tiêu chuẩn Vietgap cho cây bưởi, hướng tới phát triển thương hiệu. Phấn đấu tới năm 2020, toàn huyện sẽ đạt 1.200ha đối với 4 loại cây trồng chủ lực.

Đất vườn trồng cây ăn quả ở Khánh Vĩnh đang tăng cao. Đất vườn trồng cây ăn quả ở Khánh Vĩnh đang tăng cao.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay hoạt động mua bán đất vườn ở Khánh Vĩnh diễn ra rất sôi động. Nhiều người từ các địa phương khác đến đây mua đất lập vườn nên đã đẩy giá đất tăng cao. Một ha đất vườn có giá từ 200-300 triệu đồng, cao hơn 50 triệu đồng/ha so với 1-2 năm trước.

Đơn cử như tại xã Khánh Nam, giá đất đang rất cao. Theo người dân ở đây, giá một ha đất hiện tại từ 350-500 triệu. Đây là đất trồng mía nhưng có thể lập vườn rất tốt, đầy đủ điện, đường, cách sông 2km. Thời gian qua, có nhiều người từ Đà Lạt, một số tỉnh Tây Nam bộ tới hỏi mua đất làm vườn.

Ở xã Sông Cầu, gần đây đất cũng lên cơn “sốt”. Theo ông D, một người dân trong xã cho biết, ông đang dự tính bán lô đất rộng 16ha, đang trồng keo với giá 250 triệu đồng/ha.

“Trên địa bàn gần đây rộ lên các giao dịch mua bán đất, chỉ trong 1 năm, giá đất trong khu vực đã tăng thêm 100-150 triệu đồng/ha. Người mua đất chủ yếu là từ địa phương khác đến đây để lập vườn trồng cây ăn trái đặc sản”, ông D chia sẻ thêm.

“Giá đất tăng là điều có thật. Vừa qua, có một số giao dịch chuyển nhượng đất từ người tỉnh khác tới như: Lâm Đồng, Tiền Giang, Hậu Giang. Năm qua có hơn 300 hồ sơ chuyển nhượng đất đai”, ông Lê Xuân Khoa, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Khánh Vĩnh xác nhận.

Những nỗi lo

Có thể nói, giá đất vườn ở huyện khánh Vĩnh tăng cao thời gian vừa qua là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy giá trị của đề án cây trồng chủ lực rất hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, về mặt lâu dài hiện tượng này tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Hiện quỹ đất dành cho sản xuất có hạn, nếu giá đất tiếp tục tăng cao, nguy cơ người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp để bán là khó có thể tránh khỏi. Hơn nữa, việc ồ ạt mua đất để trồng cây đặc sản sẽ phá vỡ quy hoạch của Đề án trồng cây chủ lực của huyện Khánh Vĩnh. Các ngành chức năng khó kiểm soát diện tích, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, người nông dân sẽ chịu thiệt hại lớn.

Ngoài ra, giá đất nông nghiệp tăng, không ít đồng bào DTTS sẽ bán đất sản xuất. Điều này gây ra hệ lụy lớn khi đồng bào không còn đất sản xuất, tiếp tục rơi vào vòng xoáy đói nghèo, thiếu đất. Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Trên địa bàn huyện, đồng bào DTTS chiếm hơn 70%.

Giá đất tăng đang tác động đến tâm lý đồng bào bán đất, lấy tiền chi vào tiêu dùng. Khi hết tiền, không còn đất sản xuất, Nhà nước lại phải hỗ trợ”.

Còn ông Lê Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho rằng, giá đất cao phản ánh đúng bản chất kinh tế thị trường khi các mô hình cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, quan điểm của huyện là cần tuyên truyền để người dân giữ đất, ngăn chặn việc bán đất và đặc biệt là đất bóc tách từ lâm trường. Thời gian qua, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ vấn đề này và tăng cường tuyên truyền cho người dân.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.