Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

"Sức dân" nơi rẻo cao xứ Nghệ

An Yên - CTV - 09:04, 14/03/2023

Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, bà con các bản làng rẻo cao ở Nghệ An đã hồ hởi hiến đất, góp của, góp công để làm đường giao thông nông thôn. Bởi ai cũng hiểu “đường lớn đã mở” thì bộ mặt bản làng sẽ đổi thay, sản phẩm làm ra dễ thu hoạch và tiêu thụ, “đường tương lai” của con trẻ thêm gần hơn…

Những con đường ở huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) được làm bằng tinh thần hồ hởi, bằng sự đóng góp ngày công, tiền của của bà con dân bản
Những con đường ở nhiều bản làng ở các huyện rẻo cao của tỉnh Nghệ An được xây dựng từ tinh thần hồ hởi góp tiền, góp ngày công của bà con dân bản

Từ đường nội bản...

Về bản biên giới Tùng Hương, xã Tam Quang, thuộc huyện rẻo cao Tương Dương, tỉnh Nghệ An, ấn tượng với khách là chứng kiến khí thế hồ hởi góp công, góp sức mở đường giao thông nông thôn của bà con. Những con đường đất bụi đỏ ngày nắng, lầy lội ngày mưa, chạy vắt qua bao triền núi đang dần được phủ bằng bê tông sạch sẽ, khang trang.

Trưởng bản Tùng Hương La Văn Hoàng vui vẻ: Bà con phấn khởi lắm, ai nấy đều hồ hởi góp cát, sỏi, góp công, góp sức vì công trình chung. Cứ làm thêm một đoạn đường thì bớt cảnh lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa. Khi đường đã đổ bê tông rồi, nhà nào cũng háo hức mua sắm xe máy để đi lại; hàng hóa nông sản làm ra cũng dễ vận chuyển đi tiêu thụ.

Đợt này, bản Tùng Hương đang tiếp tục triển khai làm đường giao thông nội bản, tiếp nối phần việc còn dang dở của những năm trước. Sở dĩ có cách làm như vậy, là do điều kiện kinh tế của các hộ dân trong bản còn khó khăn, nên mỗi năm dân bản chỉ đóng góp làm một đoạn đường bê tông. Sau khi có chủ trương, bản tổ chức nhiều cuộc họp, thống nhất mức đóng góp cát, sỏi và hiến đất mở rộng mặt đường.

Theo đó, ngoài số xi măng được hỗ trợ, bản thống nhất mỗi nhân khẩu phải đóng góp ít nhất 50 kg cát, sỏi. Cát, sỏi được tận dụng từ khe, suối quanh bản. Trước đây, dân bản phải gùi, gánh từ khe suối lên nhưng nay có máy cày gắn thùng để kéo lên nên chỉ phải góp tiền để mua dầu. Điều đáng nói, khi bản làm đến đoạn đường nào, thì người dân hai bên đường tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng lòng lề đường.

Cứ như thế, chiến dịch làm đường bê tông ở bản thường được bà con tổ chức vào những tháng đầu năm, khi thời tiết còn mát mẻ. Còn về phương pháp, kỹ thuật thi công, có sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang đóng trên địa bàn, nên đường làm đến đâu chắc đến đó. Mỗi năm làm một đoạn, như năm trước bản làm được 600 m, nay được xã ưu tiên cấp cho 25 tấn xi măng để làm khoảng 600 m đường nữa.

Con đường của lòng dân. (Trong ảnh: Bà con bản Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện Con Cuông hàng năm thống nhất định mức đóng góp cát, sỏi để có vật liệu làm đường bê tông hóa)
Bà con bản Tùng Hương, xã Tam Quang (huyện Tương Dương) hàng năm thống nhất định mức đóng góp cát, sỏi để có vật liệu làm đường bê tông hóa

Bằng cách làm đó, đến nay, bản Tùng Hương đã có hơn 6/9 km đường nội bản được đổ bê tông sạch, đẹp, dự kiến khoảng vài năm nữa, 100% tuyến đường của bản sẽ được đổ bê tông. 

Theo bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, bản Tùng Hương cách trung tâm xã hơn 16 km, đời sống của người dân khó khăn nhất xã. Trong xây dựng nông thôn mới, địa phương luôn ưu tiên hỗ trợ bản thực hiện các tiêu chí, trong đó, nổi bật là tiêu chí làm giao thông nông thôn.

"Hiện nay, tuyến đường chính từ Quốc lộ 7A vào bản đã được Nhà nước đầu tư đổ nhựa, cùng đó các tuyến đường nội bản đã được đổ bê tông, sẽ là điều kiện thuận lợi để bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống", bà Hiền cho biết.

Đến đường vào khu sản xuất.

Để mở rộng con đường vào khu sản xuất Tung Cồng, bản Pha, xã Yên Khê thuộc huyện Con Cuông, gần 60 hộ dân sống ven tuyến đường đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất; đồng thời tự nguyện chặt cây, tháo dỡ hàng rào và các công trình kiến trúc trên đất. Bởi, đây còn là đường dân sinh của một nửa cư dân sinh sống ở bản Pha.

Khu sản xuất này có diện tích hơn 150 ha đất đồi trồng cây lâu năm như cam, chè của hàng trăm hộ dân. Trước đây, con đường này hẹp, lầy lội vào mùa mưa, khó đi lại nên việc đưa cơ giới vào sản xuất cũng như vận chuyển vật tư, giống, phân bón, sản phẩm bán ra thị trường gặp nhiều khó khăn.

"Sức dân" nơi rẻo cao xứ Nghệ 1
Người dân ở xã Yên Khê (Con Cuông) tự nguyện tháo dỡ bờ rào, cổng kiên cố để mở đường

Khắc phục điều này, huyện miền núi Con Cuông đã có chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến đường vào vùng sản xuất Tung Cồng. Tuyến đường mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp V miền núi; chiều dài toàn tuyến hơn 2 km, chiều rộng 6,5 m, lòng đường được đổ bê tông rộng 3,5 m, có tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nên đã tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân và chính điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Đây chính là tiền đề quan trọng giúp cho địa phương tiếp tục vững bước trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn.
Lương Đình Việt
Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An

Sau khi được tuyên truyền, vận động, bà con Nhân dân sinh sống hai bên đường đã đồng thuận cao, tự nguyện ký đơn hiến đất làm đường, tự tháo gỡ các công trình như hàng rào, cổng. Trong chiến dịch này, rất nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình chính sách đã đi đầu, nêu gương. 

Đơn cử như gia đình cụ Lê Thị Dung ở bản Pha (82 tuổi là vợ liệt sĩ) cũng đã hiến gần 100 m2 đất, phá dỡ cổng, bờ rào kiên cố để mở đường. "Có đường lớn, đi lại sẽ thuận tiện hơn, đời sống sẽ khấm khá hơn nên dù phải phá bỏ bờ rào, cổng nhưng tôi rất đồng tình. Vì thế tôi đã làm đầu để mọi người noi theo", cụ Dung chia sẻ

Tuyến đường vào khu sản xuất được mở rộng và kiên cố hóa, đã và đang tiếp tục là động lực mạnh mẽ để các hộ dân bản Pha thay đổi tư duy, mở rộng và nâng cao hiệu quả các diện tích đất sản xuất nông - lâm nghiệp.

Câu chuyện ở bản Tùng Hương và bản Pha, chỉ là hai trong rất nhiều ví dụ đáng nói, đáng biểu dương về ý thức, trách nhiệm của cộng đồng người DTTS nơi các bản làng vùng cao xứ Nghệ. Chủ trương đúng, mục tiêu rõ ràng, cách làm hay, cộng thêm việc cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, đã góp phần làm cho phong trào hiến đất mở rộng đường ở huyện Tương Dương, huyện Con Cuông… và nhiều nơi khác diễn ra sôi nổi, lan tỏa. 

Và không thể không đề cập đến một yếu tố quyết định quan trọng khác, đó là sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là vùng khó khăn, vùng khó khăn đặc thù; đó là sự vào cuộc, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, xác định mục tiêu lợi ích của người dân lên hàng đầu đã tạo được sự đồng thuận cao. 

“Sức dân” nơi vùng rẻo cao xứ Nghệ  được khơi dậy đúng cách, đã và đang lan tỏa  những ý nghĩa tích cực về công cuộc xây dựng cuộc sống hôm nay trong cộng đồng...

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.