Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sức hút từ du lịch nông nghiệp

PV - 15:04, 27/08/2018

Một trong những sản phẩm du lịch trở thành thương hiệu của Nhật Bản, Đài Loan là sản phẩm du lịch nông nghiệp. Bí quyết để loại hình du lịch này hấp dẫn du khách phải xuất phát từ việc phát triển một nền nông nghiệp sạch, gắn với yếu tố văn hóa bản địa và chọn đúng thị trường khách.

Sản phẩm nông nghiệp kích cầu du lịch

Thị trấn Yufuin thuộc tỉnh Oita, nằm trên quần đảo Kyushu-Nhật Bản được biết đến là nơi khởi phát phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) từ cách đây gần 40 năm và giờ đã lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Yufuin có tổng diện tích khoảng 127 km2 với dân số khoảng 10.000 người, mỗi năm đón khoảng 3,8-4 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 900 ngàn lượt khách có lưu trú. Tỷ lệ khách du lịch quay trở lại đạt trên 60%, trong số đó có khoảng 10% khách du lịch quay lại đến trên 10 lần. Khách du lịch đến đây chủ yếu là khách nội địa, chiếm trên 95% tổng số khách đến Yufuin hàng năm.

Trải nghiệm nông nghiệp thu hút khách du lịch. Trải nghiệm nông nghiệp thu hút khách du lịch.

Nói đến Yufuin, người Nhật sẽ giới thiệu ngay về một vùng quê với cánh đồng lúa vàng, vườn trái cây, tắm suối khoáng nóng và trải nghiệm các sự kiện, lễ hội, ẩm thực địa phương. Một trong những thế mạnh của địa phương này là mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra môi trường sống xanh và sạch, phục hồi và tạo ra thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng. Ngay cả món ăn phục vụ du khách cũng được chế biến với việc sử dụng tối đa nguyên liệu là các sản phẩm nông nghiệp của địa phương để đảm bảo yếu tố truyền thống trong văn hóa ẩm thực.

Gần 40 năm qua, Đài Loan đã phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Theo Hiệp hội Du lịch Nông nghiệp Đài Loan, mô hình du lịch nông nghiệp tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp (chè, gạo, hoa, trái cây, rau, cá, gia súc) là một mô hình sống xanh kiểu mẫu, mang giá trị đổi mới nông nghiệp. Mô hình này tổng hợp các chức năng: giải trí nghỉ dưỡng, du lịch hồi phục sức khỏe, giáo dục di sản, bảo tồn văn hoá, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, ngoại giao quốc tế… Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch nông nghiệp đều đảm bảo kết hợp 3 yếu tố: bản sắc văn hóa, chất lượng dịch vụ, thương hiệu địa phương.

Đánh thức thế mạnh của Việt Nam

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn. Văn hóa truyền thống Việt Nam hình thành và phát triển trên cơ sở nền nông nghiệp và văn minh lúa nước cùng sự đa dạng, phong phú về sản vật tự nhiên. Do đó, Việt Nam có lợi thế lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nếu chúng ta biết khai thác một cách có hiệu quả và sáng tạo các lợi thế này.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như ILO, JICA, UNESCO, tại nhiều địa phương đã phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm nông nghiệp, bước đầu hình thành nên những dòng sản phẩm mới cho du lịch quốc gia. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, các trang trại, nhà vườn tại Lâm Đồng nhận thấy nhu cầu tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về du lịch canh nông của du khách là rất lớn. Vì vậy trong thời gian qua, các tổ chức, cá nhân đã tập trung đầu tư, phát triển mạnh loại hình du lịch canh nông, tăng cường kết nối tour tuyến với các hãng lữ hành trong và ngoài tỉnh.

Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp chuyên gia Dự án JICA, tổ chức PUM, các chuyên gia về du lịch canh nông khảo sát tư vấn cho các đơn vị, hộ dân trên địa bàn tỉnh nhằm hình thành các mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “Điểm du lịch canh nông”.

YÊN GIANG