Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sức sống mới ở Chư A Thai

PV - 11:20, 14/08/2019

Nhiều năm trước đây, người dân 2 làng Pông và Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai sống trong lạc hậu, thiếu thốn đủ thứ, nhiều hộ không có nhà ở, đời sống vô cùng khó khăn. Nhằm giúp người dân ổn định nhà cửa để phát triển kinh tế, năm 2017, tỉnh Gia Lai và huyện Phú Thiện ban hành chủ trương và thực hiện di dời, sắp xếp lại dân cư ở các làng căn cứ kháng chiến thuộc xã Chư A Thai. Cũng từ đó, cuộc sống của đồng bào đã dần khởi sắc…

Từ lạc hậu, đói nghèo

Làng Pông trước đây tọa lạc trên một ngọn đồi bên dãy núi Chư A Thai, còn làng Hek cũng cách xa trung tâm xã 10km. Nhận thức của người dân 2 làng còn lạc hậu, nhà cửa tạm bợ, chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới sàn nhà khiến môi trường ô nhiễm. Người dân không tiếp cận được với thông tin, khoa học-kỹ thuật nên đời sống kinh tế khó khăn. Đặc biệt, năm 1990 tại làng Hek còn có 11 hộ tự di dời lên núi Cheng Leng sống biệt lập, trong cảnh không điện, không đường, không trường và không trạm y tế.

Để giúp người dân của các làng từng bước phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng căn cứ kháng chiến thuộc xã Chư A Thai gồm: Pông, Pênh, Trớ, Hek. Theo Đề án, mỗi hộ dân sẽ được cấp 600m2 đất, trong đó có 400m2 đất ở, 200m2 đất vườn. Ngoài ra, người dân được hỗ trợ làm đường, làm nhà vệ sinh, và lưới B40 làm hàng rào.

Chư A Thai Những ngôi nhà mái đỏ, thẳng tắp hướng ra đường khiến cho làng Hek như khoác lên mình chiếc áo mới.

Nhớ lại những tháng ngày ở nơi ở cũ, thiếu thốn đủ đường, chị Đinh H’Chu, người dân làng Pông chia sẻ: Hồi đó, cuộc sống của người dân trong làng ai cũng khó khăn, nhà cửa tạm bợ, có gia đình không có nhà mà ở, canh tác nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên năng suất thấp, đến mùa giáp hạt chạy ăn từng bữa.

Nhờ có sự quan tâm của các cấp, chính quyền mà kinh tế bây giờ đã phát triển hơn hẳn. Về đây được cán bộ hướng dẫn, mình đã biết trồng rau để ăn, di dời chuồng trại ra xa nhà không còn sống trong cảnh hôi hám như trước. Từ ngày di dời nhà cửa, cuộc sống của người dân mình như bước sang trang mới. Những ngày rảnh mình cùng các chị em trong làng đi trồng hoa xung quanh đường để xây dựng làng xóm tươi đẹp hơn”, chị Đinh H’Chu cho biết.

Theo Đề án, huyện Phú Thiện quyết định chọn làng Pông để thực hiện thí điểm, đầu năm 2017 người dân làng Pông về nơi ở mới. Nhận thấy người dân có cuộc sống tốt hơn nơi ở mới, năm 2018, làng Hek cũng chuyển về nơi tái định cư và được chọn để triển khai xây dựng mô hình làng nông thôn mới (NTM) trong vùng đồng bào DTTS.

Bừng sáng làng tái định cư

Sau 2 năm tái định cư, làng Pông như khoác lên một chiếc áo mới. Dẫn chúng tôi đi dọc con đường nối liền 4 làng, anh Siu Đuy, Trưởng làng Pông phấn khởi khoe: Làng Pông hiện có 108 hộ, trong đó có 102 hộ đồng bào dân tộc Jrai và Ba Na. Từ ngày làng được quy hoạch đến nay, đời sống của người dân làng đã có những chuyển biến tích cực. Những hộ ngày xưa không có nhà, giờ đã có nhà để ở và chăm chỉ làm ăn hơn. Nhiều nhà từ ngày quy hoạch đến nay, làm ăn kinh tế phát triển hơn hẳn. Không còn xảy ra tranh chấp đất giữa các gia đình, các trục đường chính được nhựa hóa, trẻ em được đến trường nhiều hơn ngày trước, nhận thức của người dân cũng thay đổi, ốm đau biết đến trạm y tế khám chữa bệnh.

Anh Đinh Ani, Trưởng thôn làng Hek cũng tự hào: Sau một năm di dời, làng đẹp hơn xưa nhiều lắm. Hiện tại làng có 101 hộ, với 100 hộ người đồng bào DTTS, hộ nghèo tính đến đầu năm 2019 chỉ còn 45 hộ, giảm 7 hộ so với năm 2018. Làng Hek hiện là làng NTM DTTS kiểu mẫu của huyện.

Một góc làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện sau khi được quy hoạch xây dựng làng nông thôn mới. Ảnh: TL Một góc làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện sau khi được quy hoạch xây dựng làng nông thôn mới. Ảnh: TL

“Dân làng mình từ khi quy hoạch lại rất phấn khởi, nhiều ngôi nhà được dựng lên khang trang, người dân có nhà cửa để ở cũng chăm chỉ làm ăn hơn trước rất nhiều. Những hộ dân được di dời từ trên núi Cheng Leng xuống làng cũng đã hòa nhập với người dân trong làng, con cái được cho đi học cái chữ, đời sống tiến bộ hơn trước kia nhiều”, Trưởng thôn Đinh Ani thông tin.

Chị Rmah Yoh, hộ dân được di dời từ trên núi Cheng Leng về cư trú tại làng Hek, cho biết: Mình vui lắm. Từ ngày về đây, được cấp nhà, cấp đất trồng rau, con thì được đến trường, ốm đau thì vào trạm xá, mình cũng yên tâm để làm ăn hơn trước.

Ông Siu Tinh, Phó Chủ tịch UBND xã Chư A Thai đánh giá: Từ ngày về nơi ở mới đời sống người dân đã khởi sắc hơn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm. Đặc biệt là bà con đã có chuyển biến trong nhận thức về vấn đề môi trường, người dân đã biết xây dựng chuồng trại ra xa nhà ở, đảm bảo vệ sinh. Hiện làng Pông đã đạt được 16/19 tiêu chí làng NTM, làng Hek đạt 15/19 tiêu chí… Đây chính là tiền đề vững chắc để địa phương xây dựng NTM thành công.

THÙY DUNG

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.