Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức sống mới ở những ngôi làng vùng miền núi Quảng Ngãi

T.Nhân - 17:21, 10/11/2023

Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều khu dân cư, nhiều ngôi làng ở vùng cao Quảng Ngãi đã có sự đổi thay nhanh chóng; đời sống, kinh tế của người dân đã được cải thiện, nâng cao...

An cư để lạc nghiệp

Trước đây, ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi có nhiều ngôi làng nằm heo hút giữa núi rừng trùng điệp, cuộc sống tự cung, tự cấp, khó khăn bủa vây. Hôm nay, mọi chuyện đã khác, đường bê tông thẳng tắp đến tận thôn làng, nhà cửa xây dựng khang trang, xung quanh là những mảnh vườn cây trái quanh năm tươi tốt. Tất cả tạo nên một bức tranh sung túc cho những ngôi làng vùng cao này.

Làng Long Vót, thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây có 17 hộ dân, với khoảng  70 nhân khẩu. Đây là ngôi làng thường xuyên bị sét đánh mỗi khi đến mùa mưa dông, khiến người dân hoang mang phải bỏ nhà đi dựng lều tránh trú ở nơi khác. Đầu năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ mỗi hộ dân làng Long Vót 50 triệu đồng để xây dựng nhà tại nơi ở mới.

Lãnh đạo huyện Sơn Tây về thăm bà con làng Long Vót, thôn Ra Manh, xã Sơn Long
Lãnh đạo huyện Sơn Tây về thăm bà con làng Long Vót, thôn Ra Manh, xã Sơn Long

Ông Đỗ Thanh Vượt Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: Mỗi năm, làng Long Vót cũ bị sét đánh khoảng 15 lần. Giông sét làm hư hỏng nhà cửa, làm chết vật nuôi, đe dọa tính mạng của người dân. Nơi ở mới là do người dân chọn. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, hỗ trợ người dân làng Long Vót di dời nhà cửa, vật dụng đến nơi ở mới; đồng thời, giúp người dân san ủi mặt bằng, dựng lại nhà. Hiện đã có thông báo thu hồi đất để chuẩn bị thi công kéo điện lưới quốc gia về làng trong năm nay. Riêng tuyến đường nối từ Nước Đốp về làng Long Vót cũng đã được đưa vào kế hoạch, với nguồn vốn đầu tư công trung hạn của huyện, giai đoạn 2021 - 2025.

Từ trung tâm xã Sơn Long, chúng tôi men theo đường mòn, băng qua cánh rừng già xanh tốt để đến làng Long Vót. Ngôi làng hiện ra với những mái nhà sàn mái ngói đỏ tươi nằm trên một ngọn đồi. Chúng tôi tìm đến nhà già làng Đinh Văn Điềm và được nghe ông kể về câu chuyện an cư của làng. 

Theo lời già Điềm, từ ngày di dời về nơi ở mới, người lớn an tâm đi làm, trẻ con yên tâm đi học. Chính quyền địa phương cũng đã đầu tư công trình nước sạch đưa về tận làng cho người dân sử dụng. Còn người dân chủ động kéo điện từ thôn Mang Nách, xã Ngọc Tem về để thắp sáng, nấu cơm, xem ti vi. Đất đai ở đây nhiều, lại gần khu vực sinh sống nên người dân chăm chỉ lao động, sản xuất. Tuy đường sá đi lại còn khó khăn, nhưng hơn chục đứa trẻ của làng đang trong độ tuổi đi học đều được cha mẹ đưa đến trường, theo đuổi con chữ, không lo thất học.

Người dân thôn Nước Lô, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ được an cư trong những ngôi nhà mới khang trang
Người dân thôn Nước Lô, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ được an cư trong những ngôi nhà mới

Tại khu tái định cư ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, 38 hộ dân trong vùng sạt lở cũng đã xây dựng nhà mới ổn định, không còn phải nơm nớp lo sợ sạt lở núi đe dọa cuộc sống trong mỗi mùa mưa bão. Theo quan sát, những ngôi nhà khang trang được xây dựng bằng số tiền tích cóp của người dân, tiền hỗ trợ của Nhà nước đã dần lấp đầy khu tái định cư.

Dẫn chúng tôi đi một vòng trong khu tái định cư, ông Phạm Văn Krôt, Trưởng thôn Nước Lô, cho biết: Bà con mình về đây thì cái gì cũng tốt hết. Đường giao thông nè, điện nước sinh hoạt đều có hết. Trường học thì cũng ở sát bên luôn. Con em các gia đình đi học rất là gần. Mùa mưa gió tới thì cũng không còn sợ nước lũ cuốn trôi. Giờ có nơi ở mới an toàn, bà con tập trung làm ăn, phát triển kinh tế.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thanh Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Ba Giang, chia sẻ: Việc an cư của người dân trước mùa mưa bão, cũng là yêu cầu cấp thiết đối với chính quyền xã Ba Giang trong nhiều năm qua. Có được nơi ở mới an toàn, bà con ai cũng phấn khởi, vui mừng. Trước tình trạng sạt lở núi ngày càng gia tăng, thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục bố trí đất, di dời người dân vùng sạt lở về nơi ở mới.

Những ngôi làng khang trang giữa đại ngàn

Dưới chân núi Mum hùng vĩ, huyện Minh Long có nhiều ngôi làng của đồng bào dân tộc Hrê, với vẻ đẹp dung dị, cuốn hút và không kém phần trù phú... Già làng Đinh Văn Lương, ở thôn Làng Reng, xã Long Môn bảo, núi Mum với những gốc cây cổ thụ quần tụ bên chân núi, được ví như người mẹ che chở và nuôi dưỡng dân, bảo vệ làng. Vào mùa mưa, làng dưới chân núi được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của rừng. Đến mùa nắng, lúa vàng rực rỡ, cam quýt trĩu quả tỏa hương thơm ngát trên khắp đường làng, triền núi.

Nhiều người lấy làm lạ khi vào mùa khô khắc nghiệt, nhưng dưới chân núi Mum, cây cối vẫn tốt tươi. Theo lý giải của già Lương, sở dĩ được như vậy, là nhờ sự che chở của núi Mum. Dãy núi này có nhiều cây cổ thụ, quanh năm tỏa bóng mát nên giữ được mạch nước ngầm. “Người dân chúng tôi nghĩ đó là món quà mà núi Mum đã ban cho dân làng. Vậy nên, dân làng luôn trân trọng, chăm chỉ làm ăn để xây dựng làng ngày càng giàu đẹp”, già Lương chia sẻ thêm.

Còn ở vùng núi Cà Đam, huyện Trà Bồng cũng có nhiều ngôi làng của đồng bào DTTS khang trang, mang vẻ đẹp cuốn hút đặc trưng của đại ngàn. Xuôi theo con đường bê tông uốn lượng quanh núi, chúng tôi đến thôn Quế, xã Trà Bùi. Nhìn từ xa, những nóc nhà của đồng bào dân tộc Cor ở thôn Quế như những nét chấm phá cho bức tranh sươn thủy hữu tình.

Đường về làng Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây
Đường về làng Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây

Ông Hồ Văn Giang, ở thôn Quế cho biết: Ngày xưa, núi Cà Đam hoang sơ lắm. Nhà cửa của đồng bào nằm cheo leo trên sườn núi. Ngoài việc trồng mì, khoai lang, người dân trong thôn còn đi săn bắt những con thú nhỏ để cải thiện bữa ăn. Còn bây giờ, đời sống người dân đã sung túc hơn. Điện sáng, đường to, trường học và trạm y tế đầy đủ.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương mà người dân từng bước thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, biết nuôi trâu, bò, heo; biết chăm bón mảnh vườn, tích cực trồng rừng, rẫy để tạo thu nhập. Chuyện học hành của con em người đồng bào DTTS nơi đây cũng tiến bộ rõ rệt. 

“Nếu như trước kia, người dân không viết được tên mình thì nay, chẳng những viết, tính thành thạo, mà không ít người trong thôn đã đỗ đạt ở các trường chuyên nghiệp. Một sự thay đổi đáng để tự hào”, ông Giang nói.

Làng Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây một bên tựa vào núi cao, một bên là hồ nước trong xanh. Đồng bào dân tộc Ca Dong nơi đây luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Tuy là ngôi làng ở vùng sâu, vùng xa, nhưng Ra Manh lại có rất nhiều hộ gia đình tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều người trong số đó trở thành tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Những ngôi nhà sàn kiên cố của người dân ở làng Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây
Những ngôi nhà sàn kiên cố của người dân ở làng Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây đang tiếp tục được dựng lên

Điển hình là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ra Manh Đinh Văn Trú. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Ra Manh, trải qua tuổi thơ nơi vùng cao, vùng sâu không đường, không điện, đời sống vô vùng khó khăn, anh Trú thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người dân quê mình. Vì vậy, anh nỗ lực học tập mỗi ngày để tiếp cận cách làm hay, mô hình mới trong phát triển kinh tế.

 Anh Trú cho hay: "Khi con đường bê tông được xây dựng nối với lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, tôi động viên dân làng phải làm nhà đẹp, ăn ở sạch sẽ, học hát dân ca, học đánh cồng chiêng để mai này biến ngôi làng Ra Manh thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn".

Về Ra Manh, theo chân anh Đinh Văn Điểu, một nông dân sản xuất giỏi lên rẫy, chúng tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến cách trồng trọt, chăn nuôi, đào ao thả cá của gia đình anh. Tất cả những gì anh Điểu đang làm đều hướng tới quy hoạch khu vực này trở thành một khu du lịch trải nghiệm. 

"Hiện tôi có 24 con bò, thả nuôi tự nhiên, không tốn công đi chăn, cũng không tốn tiền mua thức ăn. Tôi cũng đã trồng khoảng 500 gốc bưởi, 500 cây chuối mật giống địa phương, đào nhiều ao thả cá trong khu vực này", anh Điểu khoe.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.