Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Người cuối cùng giữ nghề làm bờ xe nước thủ công ở Quảng Ngãi

Nguyễn Trang - 19:32, 13/09/2023

Gần 80 tuổi, ông Mai Văn Quýt ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chú tâm giữ gìn nghề làm bờ xe nước thủ công của gia đình. Ông là người cuối cùng còn giữ nghề này ở Quảng Ngãi.

Ông Mai Văn Quýt (xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi) giữ nghề làm bờ xe nước sông Trà.
Ông Mai Văn Quýt tỉ mẩn từng công đoạn để hoàn thiện bờ xe nước 9 bánh

Giữa thành phố nhộn nhịp, ngôi nhà của ông Mai Văn Quýt nằm bên bờ sông Trà Khúc đi sâu vào con đường dân sinh nhỏ. Chúng tôi ghé thăm ông Quýt đúng lúc ông đang cặm cụi vót tầm vông để làm bờ xe nước.

Vừa làm, ông Quýt vừa kể chuyện, ngày xưa, chưa có kênh mương thủy lợi, bờ xe nước là phương tiện “dẫn thủy nhập điền”, người dân sử dụng bờ xe nước để tưới cho những cánh đồng ven sông. Bờ xe nước trên sông Trà Khúc là biểu tượng độc đáo đặc trưng của người dân Quảng Ngãi.

Ông Quýt cho biết: “Mỗi bờ xe nước có 9 bánh xe, đường kính lớn nhất từ 10 -12m, ngày xưa có bờ xe nước ở Trà Điếu, Đồng Đề, Cây Gáo…. Tôi nhớ hồi xưa dọc sông Trà Khúc có tổng 36 bờ xe nước, trong đó công trình bờ xe lớn nhất đường kính 12m, mỗi bờ xe có một người làm đoàn trưởng”. Bờ xe nước ở nơi nào thì người đoàn trưởng nơi đó phụ trách từ làm bờ xe nước, trông coi và sửa chữa, phụ việc cho đoàn trưởng có 6 - 7 người thợ.

Thời ấy, mỗi năm người dân làm 2 vụ lúa Hè Thu và Đông Xuân, nhưng chỉ có vụ Hè Thu là cần bờ xe nước để điều tiết nước sông chảy vào ruộng. Khi cái nắng đầu tiên của mùa Hè đến, nước sông Trà Khúc dần cạn thì lúc này các bờ xe nước đồng loạt hoạt động, bờ xe nước được đặt tại điểm nước chảy mạnh nhất để dẫn nước vào đồng. Các bờ xe nước hoạt động liên tục hết tháng 3 âm lịch để tháng 4 âm lịch, tiết trời vào tiểu mãn, các đoàn trưởng phải tranh thủ đưa bờ xe nước lên để tránh lũ sông.

Từ năm 16 tuổi, ông Quýt theo cha học làm bờ xe nước, cha ông cũng là một đoàn trưởng phụ trách làm bờ xe nước ở địa phương. Trong số 10 người con, ông Quýt là con thứ 6 và chỉ có một mình ông Quýt còn giữ nghề của cha truyền lại, nên ai nấy trong làng thường gọi là ông Sáu Quýt.

Theo Cuốn Địa dư xứ Đông Dương thì “bờ xe nước xuất hiện ở Quảng Ngãi khoảng giữa thế kỷ XVIII; đến Quảng Nam và Bình Định đầu thế kỷ XX. Một số tỉnh khác không có bờ xe nước”. Ông Quýt cho biết: “Đến năm 1997, khi công trình thủy lợi Thạch Nham của tỉnh Quảng Ngãi đưa vào sử dụng, ổn định nước tưới cho hàng chục ngàn ha thì chu kỳ bờ xe nước kết thúc”.

“Hiện nay chỉ còn một mình tôi là giữ nghề làm bờ xe nước. Mình yêu nghề thì mới gắn bó được, nhưng nghề làm kỹ nghệ giờ không còn nữa. Tâm huyết của tôi là làm bờ xe nước 9 bánh xe để giữ lại cho con cháu sau này”, ông Quýt chia sẻ.

Ông Mai Văn Quýt - người cuối cùng giữ nghề làm bờ xe nước thủ công ở Quảng Ngãi.
Ông Mai Văn Quýt - người cuối cùng giữ nghề làm bờ xe nước thủ công ở Quảng Ngãi.

Để thực hiện tâm nguyện, ông Quýt đã dành dụm tiền trong nhiều năm liền, được bao nhiêu, ông chạy vào tận thị xã Đức Phổ để mua tre, mua tầm vông, rồi ông thuê xe đưa về nhà. Những cây tre được chọn là loại tre già, tuổi từ 6 - 10 năm. Để không mối mọt, những cây tre sẽ được ngâm trong nước suốt 6 tháng, sau đó phơi khô, xếp lên giàn để sử dụng dần. Ông Quýt nói: “Một cây tre nếu không ngâm thì chỉ 1 - 2 năm là hỏng nhưng nếu được ngâm lâu thì có thể giữ được đến 20 năm vẫn không bị mốt mọt, hư hỏng”.

Năm 2023 là năm đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông Quýt bởi tâm nguyện của ông đang hoàn thành. Đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã dành cả đời cho bờ xe nước này đã lắp ráp hoàn thiện 4 bánh xe trong 9 bánh xe của bờ xe nước, mỗi bánh xe có đường kính 2m. Sau khi hoàn thành vào cuối năm nay, bờ xe nước sẽ được trưng bày để người dân khi đến tham quan có thể hiểu hơn về một nghề làm bờ xe nước.

Những vết chai sần trên đôi tay của ông Quýt là minh chứng cho kinh nghiệm của người thợ làm bờ xe nước thủ công cuối cùng ở Quảng Ngãi. Ông Quýt chia sẻ: “Tôi có 4 người con nhưng không ai theo nghề làm bờ xe nước. Đây có thể là bờ xe nước 9 bánh xe mà tôi dành cả tâm huyết cho cuộc đời của riêng tôi và tôi vẫn tiếp tục hết lòng với nghề làm bờ xe nước cho đến cuối đời”.



Tin cùng chuyên mục