Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sức sống nơi Cao nguyên đá Đồng Văn

PV - 15:25, 25/01/2019

Thời điểm khoảng 10 năm về trước, nói đến Cao nguyên đá Đồng Văn là nói đến một vùng đất vô cùng khắc nghiệt và khó khăn. 4 huyện Cao nguyên đá gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ của tỉnh Hà Giang thuộc diện nghèo nhất cả nước, nơi có ít đất canh tác nhất, thiếu nước sinh hoạt nhất, đông người Mông sinh sống nhất. Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC), đây là sự khởi đầu cho sự phát triển mới của vùng.

Trong những khuyến nghị của Chuyên gia Mạng lưới CVĐCTC với Cao nguyên đá Đồng Văn, bên cạnh việc bảo tồn các giá trị di sản, đó là việc phải tạo sinh kế bền vững và tập trung trao quyền cho người dân. Thực hiện khuyến nghị này, từ 2010 đến nay đã mang đến cho cộng đồng 15 dân tộc anh em với dân số gần 300 ngàn người nơi đây cơ hội phát triển, hội nhập từ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đặc biệt khó khăn nói chung và vùng Công viên đá nói riêng.

Đông vui ngày chợ trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Đông vui ngày chợ trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, cùng với những chính sách đầu tư dành cho vùng 30a của Chính phủ, để thúc đẩy sự phát triển của vùng Cao nguyên đá, tỉnh Hà Giang đã không ngừng kêu gọi sự chung tay của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức quốc tế cho sự phát triển của vùng gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản.

Với những chủ trương, chính sách nhằm phát triển bền vững được tỉnh Hà Giang nỗ lực xây dựng như việc phối hợp đẩy mạnh xây dựng và triển khai các quy hoạch xây dựng, phát triển vùng Công viên; quy hoạch phát triển du lịch với định hướng đưa Cao nguyên đá trở thành khu du lịch Quốc gia. Cùng với đó là các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng như hỗ trợ phát triển cây, con chủ lực như bò vàng, ong mật bản địa, hồng không hạt, tam giác mạch…; phát triển dược liệu; hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống gắn với xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng…

Với sự quan tâm đầu tư và kêu gọi các nguồn lực đầu tư của Hà Giang, cơ sở hạ tầng, diện mạo 4 huyện vùng Công viên đá Đồng Văn đã từng bước được thay đổi. Những năm qua, 115 chiếc “hồ treo” tích trên 400.000m3 nước sinh hoạt cho người dân đã được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ, của các tập đoàn kinh tế, các tổ chức, cá nhân với trên 1,3 ngàn tỷ đồng giúp Cao nguyên đá dần bớt khát.

Ông Giàng Mí Say, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn cho biết, trước đây vào mùa Đông là “mùa khát” của Cao nguyên đá. Giờ có “hồ treo” rồi, người dân nơi đây như được giải cơn khát. Các “hồ treo” là điểm nhấn đặc biệt cho sự đổi thay của vùng.

Các xóm bản trên Cao nguyên đá ngày càng phát triển. Các xóm bản trên Cao nguyên đá ngày càng phát triển.

Rất nhiều những hỗ trợ đặc biệt và ưu ái của các Bộ, ngành Trung ương, các chính sách dân tộc, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, đã mang đến những đổi mới, nâng cao cho cuộc sống đồng bào các dân tộc trên Công viên đá. Từ đó, các tuyến đường nhựa nối đến 100% các xã của 4 huyện; 100% số thôn, bản có đường giao thông; chục giao thông chính là Quốc lộ 4C trên Công viên đá được nâng cấp, mở rộng; hệ thống điện, đường, trường, trạm trong vùng được đầu tư cơ bản.

Du lịch được quan tâm, đầu tư phát triển, với những điểm nhấn như, những mùa tam giác mạch bạt ngàn, các điểm đến như Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Dinh thự nhà Vương hay những điểm di sản địa chất của Công viên đá đã góp phần mang đến những đổi thay về tư duy sinh kế của người dân nơi đây. Không ít chàng trai, cô gái Mông, Dao, Lô Lô từ chỗ còn rụt rè, nhút nhát thì nay đã tự tin trở thành hướng dẫn viên du lịch, đi tua với khách Tây.

Năm 2018 với lượng khách đến đây ước khoảng 1 triệu lượt, trong đó có du khách đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới. Hàng trăm homestay, khách sạn, nhà nghỉ, làng văn hóa du lịch cộng đồng được xây dựng ở 4 huyện vùng Công viên đá trong 8 năm qua, qua đó đã tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân nơi đây.

Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh, sự nỗ lực của các địa phương vùng Công viên đá, từng bước đem đến những đổi thay cho vùng đất khắc nghiệt này. Nhiều sản phẩm của người dân nơi đây đã được xuất khẩu đi các nước trên thế giới như: vải lanh, các sản phẩm thêu, may, thịt bò vàng, mật ong bạc hà và dược liệu; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường nơi đây đạt trên 98%; tỷ lệ hộ nghèo được giảm tích cực qua các năm, đến nay ở mức bình quân 34%; hàng ngàn ngôi nhà tạm được xóa trong khoảng 10 năm qua; 4 huyện trong vùng đều có từ 1-2 xã đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới. Giao thương trao đổi hàng hóa được đẩy mạnh không chỉ trong nội địa mà còn cả biên mậu với nhiều cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới 4 huyện. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống trên khu vực Công viên đá.

HUY TOÁN

Tin cùng chuyên mục
Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Từ ngàn xưa, cây sâm Ngọc Linh được đồng bào Xơ Đăng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam rất trân quý, gọi là cây “thuốc giấu”, và xem đó là món quà do Giàng (Trời) ban để bồi bổ sức khoẻ cũng như chữa bệnh. Ngày nay đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, những phiên chợ sâm Ngọc Linh “độc nhất vô nhị” đã thu hút các đại gia từ mọi miền đất nước đổ về tìm mua sâm. Đây cũng là dịp để những “tỷ phú xứ núi” gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng cây “thuốc giấu”.