Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Sức trẻ trên non cao

An Yên - 19:37, 04/03/2024

Không phải đến mùa khởi động Tháng Thanh niên năm nay, với chủ đề “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” mới được đưa vào là một trong những hoạt động trọng tâm của tuổi trẻ. Thực ra, từ nhiều năm qua, ở đâu có màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ, thì ở đó có những hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội với phương châm “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Cũng vì thế mà những công trình, phần việc "thấm màu áo xanh tình nguyện" ở vùng khó, vùng đồng bào DTTS luôn mang nhiều ý nghĩa sâu đậm trong cộng đồng cư dân.

Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện cùng Bộ đội đoàn Kinh tế - Quốc Phòng 337 hướng dẫn bà con huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa nước.
Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện cùng Bộ đội đoàn Kinh tế - Quốc Phòng 337 hướng dẫn bà con huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa nước.

Trên những công trình "thấm màu áo xanh" tình nguyện

Thị trấn Đạ The (huyện Đạ Terh, tỉnh Lâm Đồng), là nơi sinh sống của nhiều thành phần DTTS như Mường, K'Ho, Hoa, Châu Mạ, Ê Đê, Chơ Ro, Thái… có điều kiện còn rất nhiều khó khăn. Nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân, của những người chủ tương lai của đất nước, tuổi trẻ, đoàn viên thanh niên thị trấn Đạ Tẻh đã có nhiều phần việc, nhiều hoạt động thấm đẫm trách nhiệm vì cộng đồng. Những việc làm trong Ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh; xây dựng mới đoạn đường thanh niên tự quản, trồng hoa, xây dựng mô “Đèn đường thắp sáng vùng quê”…đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng.

Chị Phạm Thị Duyên, Bí thư Đoàn thị trấn Đạ Tẻh tâm sự: Để các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng đạt chất lượng, hiệu quả, thời gian qua, Đoàn thị trấn luôn chỉ đạo các Chi đoàn trực thuộc, bám sát tình hình thực tế cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để có những mô hình, công trình thanh niên ý nghĩa. Cũng lời chị Duyên, những năm qua, nguồn quỹ từ hoạt động rửa xe, cắt tóc, hội chợ… đã được dành và mua tặng thẻ bảo hiểm, suất ăn bán trú cho học sinh nghèo; tặng mô hình sinh kế cho người nghèo…

Ở vùng Trung Bộ nắng gió, nhiều hoạt động của tuổi trẻ, đoàn viên thanh niên dành cho vùng đất biên cương bộn bề khó khăn cũng đã và đang là hoạt động thường niên thấm đẫm trách nhiệm. Ngay tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), cứ mỗi độ hè về cũng là lúc màu áo xanh tình nguyện lại ngược núi để “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con vùng biên giới.

Lực lượng thanh niên tình nguyện đã tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan thôn, bản, hướng dẫn người dân canh tác nông nghiệp, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh bệnh dịch cho đàn gia súc, gia cầm, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm sóc sức khỏe cho người dân như khám, cấp phát thuốc luôn được chú trọng.

 Để các phần việc có hiệu quả hơn, sát thực hơn, lực lượng thanh niên tình nguyện đã phối hợp chặt chẽ cùng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Quân khu 4), các lực lượng tại chỗ của huyện Hướng Hóa ngày từ việc lên kế hoạch triển khai. Trên đồng ruộng, trong mỗi vườn nhà hay là những lớp học…,màu áo xanh tình nguyện đã có những ngày “3 cùng” với bà con Pa Cô, Bru - Vân Kiều không thể nào quên.

Tuổi trẻ thị trấn Đạ Tẻh cùng người dân ra quân xây dựng cảnh quan đoạn đường thanh niên tự quản
Tuổi trẻ thị trấn Đạ Tẻh cùng người dân ra quân xây dựng cảnh quan đoạn đường thanh niên tự quản

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, Vi Thị Niềm giờ đã là người con của núi rừng Công Sơn. Cách đây mấy năm, khi vừa rời giảng đường đại học, Niềm cùng nhiều bạn bè trang lứa viết đơn tình nguyện gia nhập, trở thành đội viên Trí thức trẻ tình nguyện tại Đội 4, Nông lâm trường 196, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338, gắn bó tuổi xuân xanh với đồng bào vùng biên xã Công Sơn, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). 

Bàn tay mềm mại vốn chỉ quen với sách bút… nay bỗng dưng cầm cuốc, cầm xẻng… có mặt trên vùng biên xứ Lạng khiến Niềm có nhiều xúc cảm không nói thành lời. Nhưng sau tất cả, lắng đọng trong trái tim tuổi trẻ của cô, chính là sự trưởng thành hơn, chín chắn hơn.

 Còn bà con các DTTS xã Công Sơn, cũng đã dành cho Niềm niềm tin yêu tha thiết. Niềm kể: Trước khi viết đơn tình nguyện lên đây, em đã xác định tư tưởng và hiểu được những khó khăn, thử thách đang đợi mình ở phía trước. Nhưng đến đây rồi em vẫn ngỡ ngàng, cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ vùng biên thiếu thốn, vất vả quá. Cũng vì muốn chia sẻ với bà con vùng sơn cước, Niềm đã mày mò học tiếng Dao rồi biên dịch tài liệu phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh gia súc ra tiếng Dao và truyền đạt lại cho bà con.

Nhiều và còn rất nhiều những phần việc thấm đẫm màu áo xanh tình nguyện trên non cao. Dẫu chưa phải là những điều gì to tát, lớn lao… nhưng chính suy nghĩ, hành động của các bạn trẻ đã thổi luồng gió mới cho vùng biên viễn còn bộn bề khó khăn; gieo lên niềm tin yêu, lạc quan vì một cuộc sống mới.

Tiếp nối mạch nguồn tuổi trẻ

Khởi động cho những hoạt động trong năm 2024, các cấp hội đoàn đã phát động Tháng Thanh niên với chủ đề rất ý nghĩa, thấm đẫm trách nhiệm: “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”. Thực ra, từ nhiều năm qua, ở đâu có màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ, thì ở đó có những hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội với phương châm “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Có lẽ cũng vì thế mà những công trình, phần việc thấm màu áo xanh tình nguyện ở vùng khó, vùng đồng bào DTTS càng trở nên ý nghĩa, lắng sâu hơn.

Hưởng ứng tinh thần này, những ngày qua, các cấp hội đoàn trên cả nước đã đồng loạt ra quân, tổ chức khởi động Tháng Thanh niên, với nhiều công trình, phần việc ý nghĩa.

Trí thức trẻ tình nguyện Nông lâm trường 196, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 338 giúp nhân dân thôn Co Chí, xã Xuất Lễ (Cao Lộc, Lạng Sơn) làm đường bê tông.
Trí thức trẻ tình nguyện Nông lâm trường 196, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 338 giúp Nhân dân thôn Co Chí, xã Xuất Lễ (Cao Lộc, Lạng Sơn) làm đường bê tông.

Ngay tại huyện biên giới Lộc Ninh (Bình Phước), Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tổ chức khởi động Tháng Thanh niên, với phương châm là tiếp nối mạch nguồn tuổi trẻ bằng nhiều phần việc. Chỉ tính trong lễ xuất quân, lực lượng thanh niên đã trao tặng một công trình hệ thống máy lọc nước sạch, 3 công trình “Ánh sáng biên cương”, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh cho 5 hộ đồng bào DTTS, 1 ngôi nhà nhân ái cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn…

Còn tại vùng Tây Nguyên, tỉnh đoàn Kon Tum cũng đã viết tiếp trang vàng truyền thống xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ bằng những việc làm trọng tâm ngay sau lễ ra quân Tháng Thanh niên năm 2024. 

Với chủ đề “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, Tỉnh đoàn Kon Tum đã xác định 15 chỉ tiêu trọng tâm, gồm: 2 thôn, làng được đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ triển khai tiêu chí nông thôn mới; hỗ trợ 2 mô hình đối với thôn, làng hoàn thành một trong các tiêu chí nông thôn mới, gắn với thực hiện Kết luận số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; 20.000 lượt đoàn viên, thanh niên được tham gia các hoạt động tình nguyện do tổ chức Đoàn, Hội tổ chức; giải ngân 500 triệu đồng nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH ủy thác cho đoàn thanh niên quản lý, cho thanh niên vay vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế…

Có thể thấy rõ, để Tháng Thanh niên năm 2024 thực sự hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, các cấp bộ Đoàn, Hội từ Trung ương đến địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn các hoạt động thiết thực để Tháng Thanh niên được triển khai sâu rộng từ cơ sở, có tính hành động cao, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và bám sát trọng tâm công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024. 

Các hoạt động hướng về vùng biên giới, vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS như tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà văn hóa thôn, làm mới đường giao thông nông thôn, cầu nông thôn tại các địa bàn khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo vùng DTTS xây dựng nhà tiêu và công trình nước sạch…,chính là những phần việc quan trọng trở thành nhiệm vụ trọng tâm được các cấp hội chú ý.

Tháng Thanh niên năm 2024, chỉ là dấu mốc khởi đầu cho những hoạt động thanh niên, tình nguyện, xung kích trong năm 2024. Chưa bao giờ như lúc này, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội… bằng những phần việc, lại được mỗi bạn trẻ, đoàn viên thanh niên quan tâm, chú ý đến vậy. 

Đó không chỉ là là lẽ sống, khẳng định thêm cho truyền thống đáng quý “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, mà còn là tín hiệu tươi sáng về một thế hệ tương lai của nước Việt sẵn sàng xả thân, sẵn sàng đảm nhận những việc khó… tất cả vì một đất nước hùng cường và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.