Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tác động tích cực từ Chương trình MTQG 1719 ở Vĩnh Châu

Phương Nghi - 21:38, 17/06/2024

Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) là thị xã miệt biển có đông đồng bào DTTS sinh sống (chiếm hơn 70%, trong đó hơn 53% là dân tộc Khmer). Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, giai đoạn I: 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo và đời sống của người dân Vĩnh Châu nói chung, đồng bào Khmer nói riêng ngày càng khởi sắc.

Công trình giao thông nông thôn ấp Xẻo Xu, xã Vĩnh Tân được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nơi đây
Công trình giao thông nông thôn ấp Xẻo Xu, xã Vĩnh Tân được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nơi đây

Vĩnh Tân, TX. Vĩnh Châu là xã ven biển, vùng sâu, có đông đồng bào DTTS (chiếm hơn 68%). Từ khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, diện mạo vùng quê của Vĩnh Tân ngày càng đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên.

Ông Trần Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết: Năm 2023, tổng nguồn vốn được phân bổ thực hiện Chương trình MTQG 1719 là hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đã hỗ trợ được 44 căn nhà ở cho hộ dân tộc Khmer nghèo (mỗi căn 44 triệu đồng), hỗ trợ 26 hộ chuyển đổi ngành nghề (mỗi hộ 10 triệu đồng), hỗ trợ nước phân tán cho 27 hộ; Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 24 hộ nghèo và hộ cận nghèo thông qua mô hình nuôi dê, nuôi bò, nuôi heo, với tổng số tiền hơn 245 triệu đồng.

Chương trình MTQG 1719 đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, các ấp đặc biệt khó khăn từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trong tỉnh nói chung và TX. Vĩnh Châu nói riêng.

Anh Liêu Sal, ở Nô Puôl, xã Vĩnh Tân, một trong những hộ được hỗ trợ mô hình nuôi dê vui mừng cho biết: “Tháng 11/2022, gia đình tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ 2 con dê theo Chương trình MTQG 1719, trong quá trình nuôi dê, tôi thấy cũng khá đơn giản, chủ yếu lấy công làm lời, không tốn quá nhiều chi phí. Hiện, đàn dê đã tăng lên được 6 con, tôi dự định sẽ tiếp tục tăng đàn nhiều hơn rồi mới bán”.

Gia đình anh Lý Hoàng Sơn, ngụ tại ấp Trà Vôn A, xã Vĩnh Tân là một trong những hộ nông dân được địa phương hỗ trợ theo mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới. Anh Sơn phấn khởi cho biết: “Trước đây, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn, đầu tư xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn, lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng rau, gia đình tôi rất vui. So với trồng rau truyền thống, thì trồng rau an toàn trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Bên cạnh đó, xã cũng đã chú trọng triển khai thực hiện Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS. Vĩnh Tân đã triển khai xây dựng công trình cầu nông thôn tại ấp Nô Thum, tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, đã triển khai thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng với số tiền hơn 201 triệu đồng.

 Mô hình trồng hành tím của đồng bào Khmer Vĩnh Châu hướng đến sản xuất liên kết hợp tác kết nối với doanh nghiệp, để tạo đầu ra ổn định, được hỗ trợ theo Chương trình MTQG 1719
Mô hình trồng hành tím của đồng bào Khmer Vĩnh Châu hướng đến sản xuất liên kết hợp tác kết nối với doanh nghiệp, để tạo đầu ra ổn định, được hỗ trợ theo Chương trình MTQG 1719

Do không còn phụ thuộc nhiều vào nghề khai thác biển như những năm trước, nên hiện nay, đồng bào Khmer vùng ven biển TX. Vĩnh Châu đã chú trọng phát triển thêm các mô hình sinh kế. Qua đó, giúp thu nhập của nhiều gia đình ổn định hơn. Anh Thạch Dù Ra ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu cho biết: “Nhiều năm trước, ở ấp Âu Thọ A, Âu Thọ B, Mỹ Thanh, người dân còn mò cua, bắt ốc để mưu sinh, còn nhiều căn nhà lá lụp xụp… Nhưng hiện nay, nhiều hộ dân trong vùng đã khá lên nhờ trồng màu”.

Ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND TX. Vĩnh Châu cho biết: “Thực hiện hợp phần hỗ trợ về nhà ở thuộc Dự án 1 Chương trình MTQG 1719, năm 2022 và 2023, Vĩnh Châu phê duyệt tổng số 430 căn nhà được hỗ trợ từ chính sách. Tính đến nay, TX. Vĩnh Châu đã cơ bản hoàn thành và các hộ dân đã vào ở. Việc triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ đồng bào Khmer khó khăn về nhà ở đã giúp nhiều hộ xóa nhà tạm bợ. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn, tạo thêm động lực để hộ đồng bào Khmer được an cư, lạc nghiệp. Nhờ vậy cuối năm 2023, Vĩnh Châu có 1.147 hộ thoát nghèo và 1.392 hộ thoát cận nghèo; hộ nghèo còn 1.618 hộ (chiếm 3,82%) và hộ cận nghèo 4.950 hộ (chiếm 11,70%)”.

Chương trình MTQG 1719 đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, các ấp đặc biệt khó khăn từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trong tỉnh nói chung và TX. Vĩnh Châu nói riêng. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, đời sống của nhiều hộ đồng bào Khmer vùng ven biển của TX. Vĩnh Châu ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây trồng chủ lực ở huyện vùng cao Thanh Hóa giá thấp cũng không có người mua

Cây vầu từng được ví như “cây vàng xanh” ở các huyện miền núi Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ cây vầu trở nên khó khăn, giá thấp khiến các doanh nghiệp bao năm nay chuyên thu mua vầu của người dân, thì nay thu mua cầm chừng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân trồng vầu.