Vượt hơn 50km, đội nghệ nhân dân tộc Xơ Đăng làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô mang đến Liên hoan lần này tiết mục Lễ hội mừng lúa mới. Theo thông lệ, vào tháng 10 dương lịch hằng năm, khi lúa đã chín rộ, người Xơ Đăng bắt đầu việc thu hoạch và mở hội ăn mừng lúa mới.
Nghệ nhân A Ngực, làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô chia sẻ: Lễ hội mừng lúa mới của người Xơ Đăng chia làm hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là ăn lúa mới tại mỗi gia đình hay còn gọi là lễ mừng cơm mới (ka - pa - neo); giai đoạn thứ hai là lễ hội uống rượu mừng lúa mới tại cộng đồng làng hay còn gọi là tết lúa mới (on - rô - tơ - triêng). Trong lễ hội, già làng sẽ khấn Yàng, xin thần lúa cho họ rước hồn lúa về với dân làng, với ước nguyện cầu mong cho dân làng không thiếu cái lúa để ăn, cuộc sống luôn no đủ, sung túc.
Tham gia Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ 2 có 10 đoàn nghệ nhân, đến từ 10 huyện, thành phố với khoảng 800 nghệ nhân tham gia tranh tài tổng cộng 29 tiết mục ở hai loại hình, gồm: Thi cồng chiêng, múa xoang và thi trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống của các DTTS.
Với sự chuẩn bị chu đáo, các đội thi đã trình diễn những tiết mục thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phát huy các yếu tố tích cực, loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.
Anh Thao Tô Ra (dân tộc Brâu), làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Đội nghệ nhân dân tộc Brâu mang đến Liên hoan lần này 3 tiết mục, trong đó có tiết mục diễn tấu nhạc cụ Đinh Pú. Đinh Pú là loại nhạc cụ được làm từ nứa, gồm 2 ống có chiều dài bằng nhau được lựa chọn từ những đốt nứa đẹp, thanh, có độ dày mòng bằng nhau và khi trình diễn có 5 người, bốn người chơi chính sẽ dùng hai tay của mình vỗ vào nhau trước các miệng ống để tạo ra âm thanh, người còn lại có trách nhiệm giữ sự thăng bằng của Đinh Pú khi đan chéo vào nhau.
“Nhạc cụ này được người Brâu sử dụng để diễn tấu vào lúc giải trí, nghỉ ngơi ở không gian, thời điểm khác nhau như: Dịp phát nương rẫy, lên nhà mới và đặc biệt là nhạc cụ Đinh Pú được biễu diễn trong lễ hội, thanh âm của Đinh Pú thể hiện được tài sắc, là tiếng lòng của các chàng trai, cô gái mong muốn gửi gắm đến người bạn tình của mình” – anh Thao Tô Ra chia sẻ thêm.
Ngoài trình diễn các tiết mục văn hóa đặc sắc, bên gốc đa cổ thụ và dưới hiên Nhà rông Kon Klor, những người phụ nữ đang miệt mài bên khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm đa sắc màu; đàn ông thì tạc tượng, vót nan đan gùi. Một bức tranh sinh động về cuộc sống thường ngày của đồng bào DTTS ở Kon Tum được tái hiện một cách đầy đủ.
Nghệ nhân Y Dưn (dân tộc Ba Na), làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, Tp. Kon Tum cho biết: Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na có từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày hôm nay, chúng tôi tái hiện lại đầy đủ về cách bắt chỉ, dệt thổ cẩm, tạo hoa văn trên thổ cẩm. Chúng tôi rất vui khi được nhiều người đến xem và thích thú với những sản phẩm từ thổ cẩm.
Đôi tay thoăn thoát đan những sợi nan vào nhau để làm nên chiếc gùi, nghệ nhân A Sơ Ri (dân tôc Ba Na), làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, Tp. Kon Tum chia sẻ: Được đến với Liên hoan lần này để giới thiệu về nghề đan lát truyền thống tôi cảm thấy rất vui. Thực sự nghề này thì hiện chỉ còn những người lớn tuổi biết làm, thế hệ trẻ thì chưa mặn mà lắm. Qua đây, tôi được giới thiệu đến du khách để họ hiểu thêm về nghề truyền thống của dân tộc và mong muốn thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị nghề đan lát này.
Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ 2 đã tạo ra một không gian đa sắc màu để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên đến tìm hiểu. Từ đó, giới thiệu những sản phẩm truyền thống, giúp đồng bào DTTS mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Phong – Du khách đến từ Tp. Đà Nẵng chia sẻ: Khi trải nghiệm ở Liên hoan này tôi cảm thấy rất thú vị. Được xem trình diễn cồng chiêng, xoang với những thanh âm trầm hùng, vang vọng của núi rừng Tây Nguyên. Đặc biệt, được tận mắt xem các nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan gùi, tạc tượng, điều mà trước đây tôi chỉ thấy qua báo chí. Nếu có dịp, tôi sẽ mời bạn bè đến với Kon Tum để trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc này.
Thông qua Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ 2, tỉnh Kon Tum kỳ vọng sẽ quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh trong công cuộc hội nhập và phát triển. Tạo động lực để địa phương tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc và thực hiện nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.