Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tấm gương điển hình về một cô giáo người Lô Lô

Văn Hoa - 17:53, 03/12/2020

Lên 9 tuổi mới vào lớp một và phải đi bộ 24km từ xã Lũng Cú ra thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) để học chữ nhưng Dìu Thị Quyến, dân tộc Lô Lô đã không lùi bước, quyết tâm học tập thật tốt để trở thành cô giáo, đem kiến thức của mình truyền dạy cho các em nhỏ vùng cao. Ước mơ đó của Quyến đã thành hiện thực và trong hành trình 13 năm qua, cô giáo Dìu Thị Quyến đã có những đóng góp tích cực cho ngành giáo dục huyện Đồng Văn.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT- Hoàng Thị Hạnh trao Kỷ niệm chương" Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho Dìu Thị Quyến
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT- Hoàng Thị Hạnh trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" cho Dìu Thị Quyến

Sinh ra và lớn lên trong bản  Lô Lô Chải dưới chân núi Rồng huyền thoại của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi đây điều kiện thiên nhiên và khí hậu khắc nghiệt, Dìu Thị Quyến luôn nuôi ước mơ được đi học. Nhưng vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ chăm sóc và nuôi dạy 5 chị em, Quyến nhận thấy trách nhiệm phải đỡ đần, giúp mẹ làm những việc nhỏ trong gia đình thay vì được đến trường đi học như chúng bạn cùng trang lứa.

Nói về ngày bắt đầu đi học, Quyến bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, em mong được đi học lắm. Mãi tới 9 tuổi, mẹ mới cho đi học. Cảm xúc đầu tiên khi đến trường thật khó diễn tả, em phải đi bộ hơn 24km từ nhà ra tới huyện Đồng Văn để học. Có lúc mỏi chân quá, không đi được nữa thì các anh lại động viên. Khi đến trường, cảm xúc của em vỡ òa, vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình được đi học, được biết chữ, buồn vì phải xa mẹ và các anh chị. Em tự nhủ với bản thân rằng phải thật cố gắng vì mẹ, vì các anh chị và vì muốn thoát cuộc sống khó khăn lúc bấy giờ.

Khó khăn càng nhân lên khi cùng một lúc, Dìu Thị Quyến vừa phải học tiếng phổ thông, vừa phải học những kiến thức trên lớp. Quyến đã phải nỗ lực hết mình để có thể theo kịp được các bạn. Cứ như vậy, bằng sự nỗ lực của mình, em đã tốt nghiệp phổ thông. Trải qua bao khó khăn, thiếu thốn của một vùng quê nghèo, xa xôi, Quyến thấu hiểu và mong muốn trở thành giáo viên để trở về giúp đỡ các em nhỏ đến trường, vì thế, em quyết định theo học Trung cấp mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang.

Xúc động khi nhớ về ngày được làm cô giáo, Dìu Thị Quyến kể lại: Sau khi ra trường, điều ước của em đã thành hiện thực. Năm 2006, em được nhận quyết định về công tác tại Trường Mầm non Liên Cơ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết  em đã vận dụng những kiến thức, kỹ năng học được tại trường để truyền dạy cho trẻ có nhiều kỹ năng hơn, bớt đi phần nào những thiệt thòi, thiếu thốn của trẻ em miền núi.

Và với sự nỗ lực học hỏi không ngừng, với trái tim chân thành, gần gũi yêu thương trẻ, coi học sinh như con cháu của mình nên Quyến luôn nhận được sự yêu quý của học sinh và được các bậc phụ huynh yên tâm, tin tưởng. Đó cũng là niềm vui khiến cô thêm cố gắng hơn. 

Cô giáo Dìu Thị Quyến trong trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô
Cô giáo Dìu Thị Quyến trong trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô

Ngoài công tác dạy học, Quyến luôn tích cực tham gia và có đóng góp hiệu quả các hoạt động đoàn thể của trường, địa phương. Với hơn 13 năm cống hiến cho công tác giáo dục, cô giáo Dìu Thị Quyến vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, đạt nhiều danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi" cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.

Đặc biệt gần đây, Dìu Thị Quyến là một trong 63 giáo viên DTTS tiêu biểu toàn quốc vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" của Ủy ban Dân tộc. Đây thực sự là những phần thưởng cao quý, ý nghĩa đối với cô giáo người Lô Lô.
Tin cùng chuyên mục
Hà Giang: Nhiều khó khăn trong năm học mới cần có giải pháp khắc phục

Hà Giang: Nhiều khó khăn trong năm học mới cần có giải pháp khắc phục

Mới đây, tại phiên họp thứ II, Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục Hà Giang giai đoạn 2023-2030 đã nêu lên nhiều vấn đề còn tồn tại, thách thức đối với giáo dục Hà GIang, trong đó, là tình trạng thiếu trên 2.000 giáo viên trước thềm năm học mới cần có giải pháp khắc phục.