Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Tấm gương làm giàu của một người đàn ông Bru - Vân Kiều

Khánh Ngân - 09:52, 28/03/2022

“Trăn trở, dám đi đầu, chăm chỉ…”, là những điều mà Chủ tịch hội Nông dân xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) nhận xét về ông Hồ Văn Cường, người Bru -Vân Kiều, hội viên Hội nông dân xã trong quá trình vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình.

Hồ Văn Cường bên hồ cá Trường Giang trong trang trại của mình
Anh Hồ Văn Cường bên hồ cá Trường Giang trong trang trại của gia đình

Chạy thoát cái nghèo

Trong căn chòi lá bên hồ cá Trường Giang, một loại cá đặc sản được nuôi trên đỉnh Trường Sơn, người đàn ông Bru -Vân Kiều có nét bươn trải Hồ Văn Cường đã kể câu chuyện dài về hành trình thoát nghèo của gia đình mình.

Sau khi lập gia đình, dù được thừa hưởng từ cha mẹ một diện tích đất lớn, nhưng phần nhiều là đất bỏ hoang. Vợ chồng Hồ Văn Cường bắt đầu khai hoang một ít để trồng lúa rẫy và sắn… Xây dựng cuộc sống riêng như bao đôi vợ chồng trẻ Bru- Vân Kiều khác ở sườn Đông Trường Sơn và cũng như bao đời nay, cái nghèo vẫn quấn lấy họ, vợ chồng trẻ như Cường lại càng “thiếu trước hụt sau”.

Trăn trở với thực tế, đất đai bỏ hoang mà gia đình vẫn chịu cảnh nghèo khó. Năm 2004 anh Cường quyết định đầu tư, cải tạo đất đồi để trồng cà phê, tràm và bời lời. Thuận lợi là, đất nguyên thổ, từ lâu lại không có cây cối nên tràm, bời lời và cà phê trồng nhanh lớn. Lấy ngắn nuôi dài, anh còn đào ao nuôi cá nước ngọt, nuôi gà, bò… để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Mang dáng vẻ của người bươn trải, Hồ Văn Cường cười dí dỏm: “Ngoài rẫy nhìn đã có ngời (niềm vui-pv), trong nhà còn thắng lợi hơn chú ạ, 8 đứa con lần lượt ra đời”. Tính cả vợ chồng, nhà anh Cường có tất cả 10 miệng ăn. Cuộc “chạy thoát” khỏi cái nghèo lại càng dài hơn, nặng nề hơn.

Đúng như ông Hà Ngọc Anh Dũng, Chủ tịch hội Nông dân xã Hướng Phùng đã nhận xét, Hồ Văn Cường là hội viên đi đầu, dám nghĩ, dám làm…. Trong khi cả thôn chưa ai nghĩ đến chuyện trồng tràm, bời lời thì gia đình anh đã có 2ha tràm, 1 ha bời lời. Những ngày dài miệt mài trên những quả đồi, trồng tràm, bời lời… rồi thu hoạch. Có ít vốn lại mở rộng diện tích trồng, mua thêm con bò giống. Cứ thế, cuộc sống của gia đình anh dần có cái ăn, cái mặc. Các con anh chị cũng dần lớn lên, buổi đi học buổi phụ gia đình chăn bò, trồng cây. Cái nghèo thì vẫn còn, nhưng cái đói thì đã bị chính sự siêng năng chăm chỉ của các thành viên trong gia đình anh Cường đuổi đi mất.

“Nói thật với chú, thời điểm đó gia đình mình cũng được xếp vào hộ khá. Thế nhưng mình chưa thể dừng lại. Con đông, lại tự nhủ không thể để “chúng” thất học. Nghĩ thế và mình lại tiếp tục phấn đấu”. 

Nhấp thêm ngụm trà, nhìn về góc xa của hồ cá, tiếng anh trầm xuống, phải mất một thời gian dài vừa kiếm cơm nuôi các cháu, vừa học hỏi kinh nghiệm, xem trên ti vi… mình biết thêm nhiều cách làm hay, có hiệu quả. Nhờ vậy, kinh tế gia đình mình từng bước khá giả, nhà cửa được xây dựng khang trang hơn. Các con có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn.

Vươn lên làm giàu

Hồ Văn Cường là nông dân người dân tộc thiểu số đi đầu, biết trăn trở để vươn lên làm giàu. Anh đã xây dựng được trang trại tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao và xây dựng cuộc sống gia đình văn minh, tiến bộ. Nhiều năm liền được công nhận là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hồ Văn Cường xứng đáng là tấm gương cho hội viên nông dân xã Hướng Phùng nói chung, nông dân các dân tộc thiểu số nói riêng tại địa phương noi gương học tập”.

Ông Hà Ngọc Anh DũngChủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Phùng

Chỉ sau hơn 10 năm, từ ngày ra ở riêng miệt mài lao động, anh Hồ Văn Cường đã xây dựng được cho gia đình mình một trang trại tổng hợp với gần 10 ha tràm, 2 ha bời lời. Ngoài ra, trong trang trại còn có 6 con bò sinh sản và 20 con anh gửi người dân bên nước bạn Lào nuôi. Ngoài ra, anh Cường còn có hơn 1ha nuôi cá Trường Giang, một loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao.  

Không chỉ biết làm giàu cho gia đình mình, anh Hồ Văn Cường còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, cách xây dựng mô hình cho các hộ gia đình trong vùng. Thời gian gần đây, anh mở thêm dịch vụ câu cá tại chỗ cho những khách có nhu cầu đến tham quan, trải nghiệm tại khu trang trại của mình. Táo bạo trong cách làm, đi đầu trong cách nghĩ, anh Hồ Văn Cường đã mở ra một dịch vụ mới tăng thu nhập cho gia đình, hợp với xu thế phát triển của địa phương

Đặc biệt, ngoài trang trại cho thu nhập 300 triệu đồng/năm, gia đình Hồ Văn Cường còn có “tài sản” mà ít ai ở sườn Đông Trường Sơn có được. Đó là: người con thứ hai học Trung cấp Luật, người con thứ 3 học Đại học Quảng Trị, con thứ 4 học Đại học Văn Hóa, mấy đứa còn nhỏ, đứa thì đang theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị và học tại địa phương…

Nói về dự định trong tương lai, anh cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình trang trại tổng hợp. Trước mắt, là ngăn hồ nuôi cá giống để chủ động nguồn giống cá cho gia đình. Đồng thời, cung cấp nguồn giống cho các hộ gia đình trong vùng có nhu cầu”. Anh Hồ Văn Cường bộc bạch, quan trọng nhất vẫn là dồn hết tâm huyết, khả năng để các cháu học hành đến nơi đến chốn. 

Tin cùng chuyên mục
Điều đặc biệt ở Môn Sơn

Điều đặc biệt ở Môn Sơn

Đã nhiều lần về với Môn Sơn (Con Cuông) để ghé thăm nhà cụ Vi Văn Khang- một địa chỉ đỏ nơi miền Tây xứ Nghệ, thăm người Đan Lai ngủ ngồi trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, thăm những bản làng người Thái hay lam hay làm bên dòng sông Giăng thơ mộng… Mỗi lần mỗi khác, nhưng cảm nhận về sự đổi thay, bứt phá nơi đây thì ngày càng đậm nét.