Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tầm Làng không còn là “ốc đảo”

Mỹ Dung - 05:06, 25/11/2023

Từ một trong những địa phương nghèo khó bậc nhất ở tỉnh Quảng Ninh, "ốc đảo” Tầm Làng - nơi có 100% đồng bào Dao sinh sống thuộc xã Quảng An, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) hôm nay khởi sắc nhờ vào hệ thống hạ tầng giao thông được nâng cấp. Đặc biệt, Tầm Làng vốn là nơi sơn cùng thủy tận, giao thông khó khăn đi cả ngày trời còn chưa tới nơi, nhưng nay nhờ giao thông mở lối, Tầm Làng đang trở thành điểm du lịch hút khách gần xa.

Trưng bày, giới thiệu về trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Phán
Trưng bày, giới thiệu về trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Phán

Gian nan một thời nơi “ốc đảo”

Thôn Tầm Làng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) với 100% đều là dân tộc Dao- một trong 32 dân tộc còn khó khăn thuộc diện đầu tư nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nơi đây, đã rất lâu đời vẫn được xem  là "ốc đảo người Dao", bởi cuộc sống tách biệt trên những dãy núi cao hùng vĩ, giao thông cách trở. Khoảng chục năm trước, 100 % số hộ dân của thôn đều là hộ nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Ông Nỉ Quay Sằn, 72 tuổi, người dân Tầm Làng kể, từ lúc ông sinh ra và lớn lên thì Tầm Làng luôn nghèo khó, giao thông cách biệt với thế giới bên ngoài. Từ Tầm Làng ra trung tâm xã Quảng An khoảng 16km, nhưng quãng đường này có tới 7 - 8km đi bộ còn khó, hễ trời mưa là phải dò dẫm từng bước.

“Cán bộ xã muốn đến Tầm Làng thường phải chuẩn bị tâm thế cho chuyến đi mấy ngày và không quên xem dự báo thời tiết từ hôm trước, thấy không có mưa mới dám đi. Nhiều khi gặp mưa rừng, cán bộ xã phải ở lại trong thôn mấy ngày mới về được”, ông Nỉ Quay Sằn kể lại.

Không những thế, giao thông đi lại khó khăn, khiến cho kinh tế cũng chậm phát triển. Theo chia sẻ của không ít người dân trong thôn, đất rừng ở Tầm Làng thì bạt ngàn có thể phát triển các cây lâm nghiệp. Thế nhưng, con đường đất trơn trượt, rậm rạp cỏ cây lại chạy vắt lên sườn núi hiểm trở, nên những cánh rừng keo của người dân trồng hơn chục năm chẳng có thương lái đến mua vì lý do đường xấu, không vận chuyển gỗ được bằng xe cơ giới. Nếu thuê người vác gần chục cây số, thì tiền thuê nhân công cao hơn tiền bán keo gấp nhiều lần.

Nhớ về quãng thời gian ấy, bà Nỉ Thị Viên bùi ngùi: “Người dân ở đây chủ yếu trồng cây quế, đến mùa thu hoạch phải thồ từng xe máy ra phố huyện bán, mỗi chuyến cũng chỉ đủ tiền uống bữa rượu, mua một ít đồ lặt vặt mang về…Cả bản bao đời cái ăn cái mặc khốn khó, nên trẻ nhỏ ở Tầm Làng gần như không được đến trường. Bản thân tôi cũng chỉ học hết lớp hai rồi phải ở nhà đi chăn trâu, đi rừng kiếm sống”.

Giao thông khó khăn khiến cho mọi việc dần rơi vào bế tắc, gần như cuộc sống của bà con người Dao nơi đây sống theo kiểu tự cấp, tự túc trong cảnh “bữa no bữa đói”. Ngay cả những khi lâm bệnh nặng, việc ra ngoài trung tâm xã thật quá xa vời khiến nhiều người dường như rơi vào cảnh lực bất tòng tâm.

Giao thông mở lối thoát nghèo

Rồi tất cả lùi vào dĩ vãng khi vài năm trước, con đường bê tông từ bản Nà Pá kết nối vào Tầm Làng. Nhờ vậy, đường về thôn Tầm Làng bon bon xe chạy, ngồi trên xe có thể thảnh thơi ngắm những ruộng lúa chín vàng, núi non trùng điệp tít tắp tận chân trời. Từ trung tâm xã về Tầm Làng chỉ chừng 30 phút. 

Sinh ra, lớn lên tại vùng đất này, các bậc cao niên nơi đây không ngờ được, thôn Tầm Làng giờ thoát khỏi thế ốc đảo, thoát khỏi cuộc sống đói khổ, thiếu thốn nhanh đến vậy. Theo họ, Tầm Làng có được đổi thay ấy là nhờ những con đường.

Ông Nỉ Xổi Phùn, gần 60 tuổi, người thôn Tầm Làng hào hứng kể lại: "Ngày cán bộ đến khảo sát, thiết kế con đường, cả thôn mừng khôn xiết. Người thì hiến chục mét đất ruộng, đất ở, hộ thì hiến cả trăm mét đất rừng. Ngày đường mới khánh thành, cả bản như ngày hội lớn. Chúng tôi vui, phấn khởi lắm. Có con đường mới có cơ hội thoát khỏi cái đói, cái nghèo, cái dốt chứ", ông Phùn kể.

Chẳng thế mà, từ ngày có đường, xe cộ bon bon, những cánh rừng keo trồng bấy lâu nay được bán. Nhà nào, nhà nấy thu về cả trăm triệu đồng từ bán keo, bán quế. Anh Nỉ Văn Bịch, một thanh niên trẻ của thôn Tầm Làng hào hứng khoe: "Rừng trồng của gia đình cũng thu được mấy trăm triệu, hai năm trước, tôi quyết định xây nhà này trị giá trên 600 triệu đồng. Mừng là không chỉ riêng gia đình tôi mà nhờ có con đường, cuộc sống cả thôn cứ thế đổi thay từng ngày”.

Giao thông mở ra không chỉ giúp cho nông - lâm sản ở thôn Tầm Làng tiêu thụ được giá mà nơi đây đang dần hiện hữu thành địa điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách. Giờ Tầm Làng đang thành điểm du lịch mới nổi, với 3 thác nước kỳ vĩ Bạch Vân, thác Tình Yêu và thác Hàm Rồng. Năm 2020, khu du lịch sinh thái bản Tầm Làng đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đây là điểm du lịch đang thu hút khách của Quảng Ninh.

Thác Bạch Vân là một trong những ngọn thác đẹp nhất Đầm Hà
Thác Bạch Vân là một trong những ngọn thác đẹp nhất Đầm Hà

Tháng 7 vừa qua, xã đã tổ chức chương trình "Về miền Sán cố" tại chân thác Bạch Vân. Trong ngày tổ chức chương trình, chính quyền vận động người dân bày bán các sản phẩm đặc trưng như: Gà, măng rừng, các món ăn truyền thống. Chỉ trong buổi sáng, các mặt hàng đã được du khách mua hết. 

Cũng tại đây, du khách được thưởng thức làn điệu Sán Cố của người Dao. Đây là lối hát giao duyên của người Dao xã Quảng An vốn bó hẹp trong cộng đồng người dân bản địa, thế nhưng nay đã là di sản quý mở ra một chương mới trong phát triển du lịch cộng đồng để Tầm Làng cất cánh.

Chương trình Về miền Sán cố người Dao xã Quảng An tổ chức tại thôn Tầm Làng
Chương trình Về miền Sán cố người Dao xã Quảng An tổ chức tại thôn Tầm Làng

Cùng với việc hỗ trợ người Dao nơi đây phát triển kinh tế, chính quyền xã Quảng An cũng ra sức vận động bà con trong thôn phát huy tốt bản sắc dân tộc, nhất là văn hóa ẩm thực, lễ hội, nghề truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng thông qua trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống...Đó cũng là hướng phát triển du lịch lâu dài, bền vững của địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và phát triển, ông Phạm Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An chia sẻ: “Niềm vui lớn với Tầm Làng là mới đây, huyện Đầm Hà đã cho chủ trương tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường vào thôn trong thời gian sớm nhất. Khi con đường mở rộng thêm, giao thông thuận lợi, cùng với cảnh đẹp của núi rừng, thác Bạch Vân và các sản phẩm ẩm thực độc đáo, nét đẹp văn hóa bản địa, Tầm Làng sẽ trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn nhất Đầm Hà”.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.