Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tầm nhìn mới cho công tác dân tộc: Xây dựng chính sách trên nền tư duy mới (Bài cuối)

Sỹ Hào - 17:04, 22/07/2021

Chiến lược công tác dân tộc trong giai đoạn mới sẽ được thiết kế gắn với phương hướng, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; với tầm nhìn dài hơi, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Nhưng với xuất phát điểm còn thấp so với bình quân chung cả nước, thì để thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất thiết phải có cách tiếp cận riêng, nhất là ở khâu xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ.

Đời sống của đồng bào DTTS hiện còn rất khó khăn (Ảnh TL)
Đời sống của đồng bào DTTS hiện còn rất khó khăn (Ảnh TL)

Đặt mục tiêu phải sát thực tế

Triển khai Nghị định 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc, ngày 12/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 449/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc (CLCTDT) đến năm 2020. Trong Chương trình hành động thực hiện CLCTDT có 57 đề án được giao cho 14 bộ, ngành chịu trách nhiệm thực hiện.

Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết CLCTDT đến năm 2020 (BC 732), trong 57 đề án, thì các bộ ngành đã hoàn thành 40 đề án; có 2 đề án lồng ghép vào chính sách đặc thù cho vùng DTTS và miền núi. 

Đáng chú ý là có 15 đề án trong CLCTDT được đề nghị không thực hiện mà để tích hợp, lồng ghép vào chính sách chung của bộ, ngành. Đây là một trong những thiếu sót đáng suy ngẫm khi thực hiện CLCTDT từ khi có Nghị định 05/2011/NĐ-CP.

Thực hiện CLCTDT đến năm 2020, Bộ Nội vụ được giao xây dựng Đề án "Chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ về công tác ở địa bàn ĐBKK" nhưng đề nghị tích hợp vào các chính sách chung của ngành. Do đó, đến nay, chính sách đối với cán bộ về công tác ở địa bàn ĐBKK vẫn còn nhiều bất cập trên thực tế; như Dự án thí điểm chọn 600 tri thức trẻ về công tác ở các huyện nghèo, Dự án 500 trí thức trẻ về công tác tại 500 xã ĐBKK,...

Như kỳ báo trước đã phản ánh, thực hiện CLCTDT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) được giao xây dựng “Chính sách dạy nghề chuyên biệt và giải quyết việc làm cho con em người DTTS đến năm 2020”. 

Nhưng Bộ này đề nghị không thực hiện, mà tích hợp vào chính sách dạy nghề chung của ngành là Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 17/11/2009 (gọi tắt là Đề án 1956).

Những hạn chế đã được chỉ ra trong việc đào tạo nghề cho lao động người DTTS những năm qua, một phần do sự “tích hợp” này. Theo BC 732, giai đoạn 2011 – 2016, có khoảng 690 nghìn lao động người DTTS được đào tạo nghề theo Đề án 1956; giai đoạn 2016 – 2020 là trên 800 nghìn người; nhưng trong đó khoảng 412 nghìn người là đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng.

Còn với giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài được xem là định hướng quan trọng; nhưng kết quả thực hiện cũng không mấy khả quan. 

Theo BC 732, giai đoạn 2009 – 2015, có 15.600 lượt người thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo để xuất khẩu lao động, nhưng chỉ có gần 6.200 lượt người đã đi làm việc tại các thị trường nước ngoài. Còn giai đoạn 2016 – 2019, trong 4.620 lao động được hỗ trợ để di làm việc ở nước ngoài thì chỉ có 2.117 lao động xuất cảnh.

Tương tự Bộ LĐTB&XH, thực hiện CLCTDT, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao xây dựng “Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình dạy nghề, phát triển ngành nghề truyền thống phù hợp, nâng cao thu nhập cho phụ nữ DTTS”. Nhưng đề án này cũng không thể thực hiện do chỉ tiêu, đối tượng thụ hưởng lại trùng với Đề án 1956 của Bộ LĐTB&XH.

Khả quan hơn là việc xây dựng Đề án: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ số thanh niên DTTS đang tại ngũ cho các DTTS dưới 10.000 người, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, khu vực biên giới” do Bộ Quốc phòng chủ trì. Đáng tiếc, dù đề án đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ năm 2016, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa phê duyệt.

Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu

Trước yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dự kiến CLCTDT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra những mục tiêu rất rõ ràng. Đáng chú ý là, cùng với mục tiêu giảm địa bàn ĐBKK, thì CLCTDT (dự kiến) phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân người DTTS đạt khoảng 4.000 – 4.500 USD/người/năm (dự kiến thu nhập bình quân đầu người cả nước đến năm 2030 là 7.000 – 8.000 USD).

Vị chi, dự kiến đến năm 2030, thu nhập của người DTTS sẽ bằng ½ thu nhập bình quân cả nước. Còn tại thời điểm này, theo BC 732, thu nhập bình quân của người DTTS mới chỉ bằng 0,3 lần so với thu nhập bình quân chung cả nước.

Việc làm, thu nhập cho đồng bào DTTS là bài toán cần được giải bằng những chính sách hỗ trợ trúng (Ảnh minh họa)
Việc làm, thu nhập cho đồng bào DTTS là bài toán cần được giải bằng những chính sách hỗ trợ trúng (Ảnh minh họa)

Phải khẳng định, hiện nay, vùng lõi nghèo, chậm phát triển của cả nước chính là vùng DTTS và miền núi. Vì vậy, nếu vùng DTTS và miền núi phát triển thì sẽ góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu chung của quốc gia. 

Thiếu vốn thực hiện là một trong những nguyên nhân khiến các chính sách chưa đạt mục tiêu. Theo BC 732, vốn bố trí thực hiện các chương trình, dự án chưa thể hiện được tính ưu tiên đối với vùng DTTS và miền núi. Riêng với các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, nguồn lực bố trí thường chỉ đáp ứng khoảng 40 - 60% kế hoạch.

Để đạt được mục tiêu này, thì việc khắc phục những hạn chế trong xây dựng, thực thi các chính sách đầu tư, hỗ trợ trong thời gian qua cần được các cấp, ngành liên quan thực sự chú trọng, trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Với riêng Ủy ban Dân tộc, mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã ký ban hành Chương trình hành động của Ủy ban Dân tộc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. 14 nhiệm vụ trong tâm trong Chương trình hành động cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc, phù hợp tình hình trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động của Ủy ban Dân tộc là, tập trung phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu, là yếu tố then chốt để hướng đến mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm trên 3% để đến năm 2030 còn dưới 10% theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)