Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tân Lạc (Hòa Bình): Hỗ trợ vốn và trao sinh kế, giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững

Lê Anh - 14:04, 11/10/2024

Các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình đang được triển khai thực hiện mạnh mẽ. Từ đó, giúp người dân thoát cảnh loay hoay với cái nghèo, có được cuộc sống ổn định và ấm no hơn.

Người dân vùng đồng bào dân tộc với mô hình trồng su su tập trung xã Quyết Chiến (Tân Lạc)
Người dân vùng đồng bào DTTS với mô hình trồng su su tập trung xã Quyết Chiến (Tân Lạc)

Dân số của huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình có trên 90.000 người với nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm 85%. Huyện có 16 đơn vị hành chính (15 xã, 1 thị trấn), trong đó có 146/159 xóm, khu thuộc vùng DTTS và miền núi, 5 xã và 24 xóm đặc biệt khó khăn.

Ông Bùi Văn Chánh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết, với phương châm "trao cần câu hơn xâu cá”, UBND huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo công khai, minh bạch, dân chủ và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân.

Các địa phương đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế, để mang lại chiếc "cần câu”, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào.

Gia đình ông Bùi Văn Đậu (ở xóm Thăm, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) là một trong những hộ nghèo trong xã được hưởng lợi từ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Với địa hình đồi núi, trước đây, cả gia đình ông Đậu cũng như nhiều người dân khác quanh năm trông chờ vào mấy mảnh ruộng, nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặc dù chăm chỉ làm ăn, nhưng sau nhiều năm cố gắng, vợ chồng ông vẫn không thể thoát nghèo.

“Đầu năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ một cặp dê sinh sản. Nhờ áp dụng đúng hướng dẫn về kỹ thuật và chăm sóc nên cặp dê đã phát triển, sinh sản tốt, đem lại thu nhập cao cho gia đình” - ông Bùi Văn Đậu, chia sẻ.

Huyện Tân Lạc đang triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều thành quả từ các Chương trình MTQG. Ông Bùi Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Suối Hoa, thông tin: Năm 2023, xã được Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phân bổ 450 triệu đồng, để thực hiện Tiểu Dự án 2 - Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở nhu cầu của người dân, xã đã bình xét hộ nghèo, cận nghèo, để hỗ trợ con giống và phân bổ phù hợp; ưu tiên hỗ trợ vốn, cây, con giống cho hộ nghèo xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện của địa phương.

Xã Suối Hoa đã triển khai các giải pháp cụ thể trong lồng ghép các chương trình MTQG với chính sách dân tộc, như: Tuyên truyền, hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc, máy móc, thiết bị nông cụ, cây, con giống và phát triển giao thông nông thôn.

Tính từ năm 2022 - 2023, nguồn vốn chương trình phát triển vùng đồng bào DTTS đã đầu tư cho huyện trên 122 tỷ đồng, được địa phương sử dụng hiệu quả. Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tích hợp 118 chính sách dân tộc trong các giai đoạn trước cùng với chính sách mới xây dựng thành 10 dự án với 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần.

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Chánh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc, việc triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đạt những kết quả tích cực, góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào DTTS. Năm 2019, tổng đầu tư toàn xã hội của huyện mới đạt trên 1.328 tỷ đồng, đến năm 2023 tăng lên trên 2.815 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 39,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,4%.

Việc hỗ trợ vốn, sinh kế cho hộ nghèo phát triển kinh tế ở huyện Tân Lạc đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Với những giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân cùng sự đầu tư từ các chương trình, chính sách dân tộc sẽ là động lực lớn góp phần giúp huyện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.

Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện Tân Lạc nói riêng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ và các tầng lớp Nhân dân hiểu, nắm bắt đầy đủ chủ trương cũng như cơ chế, chính sách của Chương trình, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện. 

Tin cùng chuyên mục