Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Tăng cường các chính sách hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS

Hoàng Quý - 05:37, 30/05/2024

Trong phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ quan tâm đến vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, đặc biệt là tại vùng DTTS và miền núi.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)

Đánh giá cao kết quả thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn bộc lộ những tồn tại cần giải quyết như: Định kiến giới vẫn là rào cản chủ yếu đối với những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ; cơ hội phụ nữ tiếp cận với việc làm có thu nhập cao vẫn thấp so với nam giới; lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam; lao động nữ là đối tượng dễ rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực.

Hơn nữa, luật pháp, chính sách về bình đẳng giới triển khai còn chậm; việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ nữ nhìn chung còn thiếu về số lượng, hạn chế về kiến thức, kĩ năng và thiếu kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện triển khai nhiệm vụ. Ở các địa phương, hầu hết cán bộ làm công tác bình đẳng giới kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên hiệu quả công tác còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới còn nhiều bất cập chưa đạt được kết quả như mong muốn, nguồn lực bố trí cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu được giao…

Đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới thành kế hoạch hành động và có các hướng dẫn kịp thời, cụ thể.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các bộ, ngành, của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới. Đầu tư nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Xây dựng các kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành trên từng lĩnh vực. Đẩy mạnh thông tin, tăng cường giáo dục trong cộng đồng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. Trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà trách nhiệm của cả gia đình và toàn xã hội, là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng và hạnh phúc.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng cường nhân lực trình độ nâng cao cho đội ngũ cán bộ là hướng đi cần thiết trong bối cảnh nguồn nhân lực cho công tác này còn thiếu và yếu; Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phối hợp liên Bộ để thống nhất việc thu thập và phân bố số liệu của bộ chỉ số thống kê phát triển quốc gia từ Trung ương đến địa phương.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An)
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An)

Quan tâm đến việc thực hiện mục tiêu, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho biết, theo Báo cáo số 273 (16/5/2024) của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, chênh lệch giới tính khi sinh là 112 bé trai/100 bé gái, tốc độ gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh được khống chế nhưng chưa ổn định và vẫn cao hơn mức cân bằng tự nhiên. Đại biểu bày tỏ sự đồng ý với đánh giá này, và cũng theo đại biểu nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao thứ 3 khu vực sau Ấn Độ và Trung Quốc. Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, nếu vấn đề này không được kiểm soát hiệu quả, dự báo Việt Nam số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới là 1,5 triệu người vào năm 2034, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như: Thiếu hụt lao động nữ trong các ngành nghề phù hợp, tăng tình trạng độc thân không tự nguyện của nam giới, người già độc thân tăng gánh nặng cho an sinh xã hội, phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống,…

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng cần nhận diện bình đẳng giới một cách thực chất hơn nữa, chênh lệch giới tính khi sinh tăng cao là biểu hiện rõ nhất của bất bình đẳng giới. Và để kiểm soát tốt hơn tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề xuất một số giải pháp, như: Bổ sung những quy định pháp luật bảo đảm khả thi kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, cần tuân thủ các quy định pháp luật cấm xác định giới tính, lựa chọn giới tính khi sinh tại các cơ sở y tế...

Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tổ chức các chiến dịch truyền thông với thông điệp rõ ràng, tác động mạnh đến cảm xúc của người dân, cần lên án những hành vi phân biệt giới tính, lựa chọn giới tính khi sinh và tạo sự đồng thuận cho xã hội cùng chung tay thực hiện. Tuân thủ quy định của Bộ Luật Dân sự về quyền bình đẳng của con gái trong việc nối dõi, thừa kế, xây dựng hệ thống gia đình linh hoạt, giảm tập tục phụ nữ xuất giá tòng phu cho phù hợp với thực tiễn phát sinh.