Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tăng cường đảm bảo hàng hóa trong mùa dịch

Hiếu Anh - 11:11, 21/05/2021

Dịch Covid - 19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống Nhân dân. Để đảm bảo hàng hoá cho người dân trong mùa dịch, các cấp ngành đã và đang tăng cường các biện pháp lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng khan hiếm, đội giá hàng hoá.

Người dân được tiếp tế lương thực cho người thân tại khu cách ly của Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
Người dân được tiếp tế lương thực cho người thân tại khu cách ly Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Hàng hóa vẫn đảm bảo

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, bà Lã Thị Mai, thôn Nà Pẻo, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) cho biết, người dân ở vùng sâu, vùng xa như địa phương bà luôn ý thức phòng chống dịch bệnh. Khi ra đường họ đều đeo khẩu trang và đứng giãn cách.

Bà Mai cho biết thêm, hiện nay, người dân đi chợ ít hơn bình thường và tận dụng lương thực thực phẩm có sẵn trong nhà. Tuy nhiên, khi ra cửa hàng tạp hóa và chợ, bà thấy hàng hóa vẫn bày bán rất phong phú đa dạng, giá cả không bị tăng cao so với bình thường.

Tại Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên có hàng nghìn công nhân đang cách ly tại phòng trọ. Cuộc sống của họ vốn đã vất vả nay còn thiếu thốn hơn. 

Thế nhưng bà con vùng dịch thường xuyên nhận được lương thực, nhu yếu phẩm do Nhà nước cấp phát. Ngoài ra, nhiều đơn vị cá nhân tổ chức trong và ngoài tỉnh thường xuyên gửi mỳ tôm, gạo, nước sát khuẩn, khẩu trang… cho người dân yên tâm chống dịch. 

Còn ở những vùng chưa bị cách ly người dân đã ý thức hạn chế ra khỏi nhà. Khi ra khỏi nhà mua bán người dân thấy hàng hóa vẫn khá đầy đủ, giá cả ổn định.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai đang ở trong vùng tâm dịch Việt Yên (Bắc Giang) xúc động chia sẻ: Dịch Covid -19 đã khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, không còn cảnh phố xá đông đúc, không còn những bữa cơm đầm ấm đủ thành viên, bởi ai cũng có nhiệm vụ hoặc bị cách ly. Cũng may là hàng hóa vẫn được cung ứng đủ, không lâm vào cảnh "khan hàng, sốt giá".

Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn tích cực ra quân kiểm tra hàng hóa
Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn tích cực ra quân kiểm tra hàng hóa

Tăng cường nhiều giải pháp

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường.

Để đảm bảo lưu thông hàng hóa trong mùa dịch, ngày 12/5, Bộ trưởng Bộ Công thương  đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các hoạt động, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý biến động bất thường của thị trường, nghiêm túc thực hiện một số công việc trọng tâm.

Trong đó, Bộ yêu cầu Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu; phối hợp với các đơn vị đánh giá cung cầu các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm, vật tư nông nghiệp, năng lượng… không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Bộ Công thương yêu cầu, Tổng cục Quản lý thị trường tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19....

Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử; chống thất thu thuế...

(Nội dung thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.